Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nội dung được các đại biểu cũng như người dân đặc biệt quan tâm. Dự luật đã được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại 3 Kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 6 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý cho dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến góp ý phong phú, đa dạng và bao trùm nhiều nội dung khác nhau. Điều này thể hiện sự quan tâm của người dân về những vấn đề liên quan đến đất đai

Bên cạnh các nội dung đã được số đông biểu quyết, đồng tình, hiện vẫn còn 18 điểm, vấn đề được đưa ra giải trình. Đây đều là những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thị trường bất động sản cũng như người dân hay các bên có liên quan. Một trong số đó là vấn đề bồi thường tái định cư cho người dân luôn là vấn đề nóng, còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai, ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả đầu tư cũng như cuộc sống của người dân.

Trong phiên thảo luận về Luật đất đai tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải cụ thể hóa được yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW, có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) nêu quan điểm: “Chúng ta yêu cầu phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thế nhưng thực tế chúng ta không làm được. Một trong những lý do là chúng ta chưa chuẩn bị kỹ càng trong thu hồi đất mà đã vội vàng triển khai dự án, không tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Khi có đất bị thu hồi họ chính là người đóng góp đất nhưng họ chính là người thiệt hại nhất”.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Trúc Anh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi Nhà nước thu hồi đất cần phải có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi không chỉ có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ mà còn cần quan tâm đến tạo việc làm, có thu nhập ổn định đời sống của người dân khi tái định cư. Chỉ khi việc bồi thường được thỏa đáng thì mới có thể giảm thiểu những bất cập, hay tranh chấp, khiếu kiện.

Bên cạnh đó, trình tự thủ tục thông báo thu hồi đất cũng là điều cần quan tâm. Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) kiến nghị, về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, điểm b khoản 2 Điều 87 của dự thảo luật cần bổ sung cụm từ “hoặc cấp tỉnh”, qua đó sửa đổi hoàn chính thành: trường hợp không liên lạc được và không gửi được thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, thì thông báo trên một số báo hàng ngày của Trung ương hoặc cấp tỉnh trong 3 số liên tiếp, hoặc phát sóng trên Đài phát thanh, truyền hình của Trung ương hoặc cấp tỉnh trong 3 ngày liên tiếp. Nếu chỉ quy định thông báo trên báo trung ương, sẽ rất khó khăn và vướng mắc trong việc giúp người dân tiếp cận thông tin. Đề nghị bổ sung đăng trên cả báo địa phương.

Dẫn chứng thực tế, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi nêu quan điểm, dự thảo quy định hiệu lực có thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất. Trong thời gian này, tài sản gắn liền với đất được tạo lập không được bồi thường khi thu hồi đất quy định tại khoản 2 Điều 105. Tuy nhiên, thời hạn 12 tháng từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất mà chưa thu hồi đất, quyền của người sử dụng đất như thế nào cần được quy định cụ thể. Đồng thời, cần bổ sung quy định hệ quả pháp lý sau hiệu lực thông báo thu hồi đất để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nhấn mạnh, luật hiện hành chưa quy định vấn đề này, nên xảy ra tình trạng nhiều cơ quan chức năng ra thông báo thu hồi đất nhưng kéo dài nhiều năm. Thông báo thu hồi đất treo lơ lửng người dân không được xây dựng, tách thửa, ảnh hưởng đến đời sống việc làm của người có đất bị thu hồi.

Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Việc sửa đổi luật có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan nhất là quyền lợi của người dân trong sử dụng đất.

Mời nghe cuộc trao đổi của phóng viên VOV2 với PGS.TS Nguyễn Trúc Anh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 15: