Khám chữa bệnh là dịch vụ đặc thù có liên quan chặt chẽ tới tính mạng, sức khỏe của người dân. Việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện, trách nhiệm hành nghề là hết sức cần thiết. Do đó, cần quy định cụ thể các trình tự, thủ tục hành chính, các yêu cầu về khám, chữa bệnh. Đây là ý kiến của đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Lắc ở phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) diễn ra chiều 6/1.

Theo đại biểu Lưu Văn Đức, dự thảo Luật có bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính. Công tác quản lý hoạt động khám, chữa bệnh đã rút ngắn nhiều so với trước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các thủ tục hành chính có liên quan giữa cơ quan nhà nước và cơ sở khám, chữa bệnh. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần đề cập cụ thể đến việc rút ngắn thủ tục hành chính giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho rằng, dự thảo Luật cần đảm bảo thích nghi, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần có sự thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm y tế, Luật Đấu thầu, Luật giá....

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh: dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, song dự thảo chưa làm rõ nội hàm các yếu tố cấu thành giá để tính đúng, tính đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.

Cho rằng việc tách các chi phí sẽ tạo điều kiện tính đúng, đủ, cũng như góp phần để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao dịch vụ. Tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang lưu ý, quy định này có thể làm thay đổi cách tính giá khám chữa bệnh hiện hành, phải tính lại toàn bộ, bóc tách các chi phí liên quan trang thiết bị, thuốc. “Cần rõ, cụ thể hơn, chứ cả 2 phương án như dự thảo đều khó thực hiện trên thực tế” – nữ đại biểu cho biết.

Theo đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai), dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi chưa rõ tính thống nhất, khả thi của các văn bản quy định chi tiết. Số điều khoản giao Chính phủ tăng lên khoảng 40 điều, chiếm hơn 33% số điều luật nhưng các dự thảo nghị định đi kèm chưa cập nhật, bổ sung. Luật Khám bệnh, chữa bệnh liên quan nhiều luật, nhưng hiện cũng chưa rõ tính tương thích, đồng bộ, trong đó có Luật Giá và Luật Đấu thầu sửa đổi.

Hơn nữa, theo đại biểu, một số chính sách với cơ sở khám, chữa bệnh, nhân viên y tế, người bệnh chưa phù hợp, chưa thực sự tháo tháo gỡ khó khăn trên thực tế. Đơn cử như chưa có xã hội hoá với cơ sở khám chữa bệnh công lập có liên doanh, liên kết; Các điều khoản về tài chính chưa tách khám chữa bệnh theo yêu cầu và khám chữa bệnh bình thường; quy định tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính chưa rõ ràng... Những chính sách này nếu bổ sung, sửa đổi cũng cần có thời gian đánh giá tác động. “Với những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị cân nhắc việc thông qua dự án luật tại kỳ họp bất thường này” - ông Lê Hoàng Anh nêu quan điểm.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bộ trưởng khẳng định đây là dự án Luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, ảnh hưởng tới lợi ích của mỗi người dân, chịu sự ràng buộc của nhiều dự án Luật khác. Cơ quan soạn thảo đã quán triệt nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm, tiếp thu đầy đủ trên tinh thần cầu thị ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đối với vấn đề liên quan đến việc kiểm soát chất lượng người hành nghề, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến chất lượng hành nghề, tính mạng người bệnh. Qua tham khảo kinh nghiệm, mô hình từ nhiều nước phát triển, trong dự thảo Luật đã có các quy định về kiểm tra đánh giá năng lực, đảm bảo sự an toàn của người bệnh, nâng cao chất lượng đào tạo y tế.

Nội dung liên quan đến Hội đồng y khoa quốc gia là nội dung mới, cụ thể hóa Nghị quyết 20, giúp việc đánh giá năng lực hành nghề đạt được chuẩn chung của quốc gia, quy định này cũng nhận được sự thống nhất cao của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như của các đại biểu Quốc hội. Về thời hạn giấy phép hành nghề, để giải quyết bất cập trong luật cũ, dự thảo Luật lần này quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành y, đảm bảo lực lượng này liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng hành nghề, hạn chế sai sót xảy ra, giúp đội ngũ cán bộ y tế nâng cao trình độ, tiệm cận các tiêu chuẩn chung của quốc tế.

Liên quan đến nội dung về tự chủ trong cơ sở y tế công lập, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật quy định chung một số vấn đề mang tính nguyên tắc để có định hướng triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các cơ sở y tế. Với tầm nhìn lâu dài, Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội luật riêng về việc thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế… Qua đó sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, giải quyết các tồn tại, hạn chế đã tồn tại nhiều năm trong vấn đề này ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng giải trình một số vấn đề các đại biểu đã nêu về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bộ trưởng cũng nêu rõ, việc thông qua dự án Luật trong Kỳ họp này là rất quan trọng đối với ngành y tế, để khắc phục những khó khăn, bất cập từ Luật hiện hành, giúp Chính phủ có đủ thời gian tham khảo ý kiến của các bên liên quan, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung Quốc hội đã thông qua; tạo tiền đề xây dựng các Luật khác liên quan đến phòng bệnh, bảo hiểm y tế, cấy ghép mô…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cám ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và mong muốn các đại biểu bấm nút thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh vào ngày 09/01 tới đây./.