Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê thực hiện trong thời gian vừa qua, hơn 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải quyết việc làm cho khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường hạn chế về nguồn lực, chú trọng đầu tư sản xuất kinh doanh mà chưa có giải pháp phòng ngừa và hạn chế về khả năng chống chịu rủi ro pháp lý. Nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý còn hạn chế, mô hình tổ chức nhỏ dẫn đến thiếu nguồn lực đảm bảo cho công tác pháp lý của doanh nghiệp. Để hỗ trợ pháp lý cho doang nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 5/5/2010 về Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều vướng mắc pháp lý kể từ khi khởi nghiệp cho đến khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với các vụ việc quan trọng là rất cần thiết. Các vướng mắc chính mà doanh nghiệp gặp phải là quản trị doanh nghiệp, thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.

Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực lý giải: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề nên kiến thức pháp luật của họ còn nhiều hạn chế. DN nhỏ và vừa chưa hình thành bộ máy hoặc cán bộ pháp chế chuyên trách nên trong quá trình kinh doanh, họ gặp rất nhiều vấn đề về pháp luật liên quan đến hợp đồng, lao động, thương mại, quyền sở hữu trí tuệ… Quá trình thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chúng tôi thấy các DN nhỏ và vừa gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý. Trong quá trình thực thi pháp luật, nhiều quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo nên khi thực thi thủ tục hành chính, DN nhỏ và vừa cũng gặp phải."

Từ thực tế đó, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Tiến sĩ Trần Minh Sơn, thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành đánh giá: Trong suốt thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ pháp lý được tổ chức liên tục, thường xuyên với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và được đánh giá cao về chất lượng xây dựng, tổ chức và hiệu quả, thiết thực. Kết quả hoạt động hỗ trợ pháp lý của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp ngày càng được lan tỏa rộng rãi và được ghi nhận bởi các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong xã hội

"Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong đó có Hội luật gia các cấp và Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội luật gia các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tham gia, phối hợp, thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như việc xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trong thời gian qua và thời gian tới. Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam hay các đoàn luật sư của các tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai hiệu quả hoạt động pháp lý cho doanh nghiệp, đã làm nổi bật vai trò, chức năng của các tổ chức đại diện đối với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hội viên của mình", Tiến sĩ Trần Minh Sơn nhấn mạnh.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhìn nhận: "Các hội luật gia ở địa phương đã chọn đối tác đồng hành là các hội DN nhỏ và vừa ở địa phương và Trung ương. Vì chúng tôi là đại diện doanh nghiệp nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu doanh nghiệp hổng kiến thức gì. Đây là hoạt động tương đối tốt. 2 tổ chức này rất cố gắng hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa ở nhiều địa phương, có sự phối hợp rất chặt chẽ với nhau."

Theo TS. Tô Hoài Nam, hoạt động hỗ trợ pháp lý đã đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa: "Nói thì dài và đa dạng nhưng điều tôi cảm thấy ý nghĩa nhất là hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, đặc biệt là DN nhỏ tạo nên sự tự tin hơn và giúp các DN nhỏ và siêu nhỏ ý thức được tính tuân thủ pháp luật và thận trọng hơn khi cam kết, giao kèo các hợp đồng kinh tế, an toàn hơn trong hoạt động kinh doanh. Đấy cũng là một cái động lực để doanh nghiệp tìm đến."

Kế thừa, phát huy kết quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Tiến sĩ Trần Minh Sơn, thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ để đạt được những mục tiêu của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025: "Cung cấp thông tin pháp lý; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa qua diễn đàn, đối thoại; qua thư điện tử, mạng xã hội, ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên pháp luật."

Đồng quan điểm với tiến sĩ Trần Minh Sơn, luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và Trung tâm phát triển nguồn nhân lực cũng cho rằng trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: "DN nhỏ và vừa thiếu vắng cán bộ chuyên trách về mặt pháp lý và việc kết nối với các tổ chức ngành nghề tư vấn pháp lý chưa nhiều nên công tác tư vấn pháp lý cho DN cần tiếp tục được đẩy mạnh cả về bề rộng và bề sâu, để chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật để họ tạo thói quen tuân thủ pháp luật trong kinh doanh".