Chính sách tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội được triển khai thực hiện từ năm 2015 theo Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 (hiện nay là Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024). Chính sách nhằm hỗ trợ vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Đến 21/01/2025, sau 10 năm triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 22.777 tỷ đồng cho gần 53 ngàn khách hàng, dư nợ đạt 17.561 tỷ đồng với gần 47 ngàn khách hàng đang còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách về nhà ở xã hội đã góp phần giúp gần 53 ngàn người thu nhập thấp, công nhân cùng gia đình có nhà ở xã hội và góp phần xây dựng hơn 53 ngàn căn nhà ở, ổn định “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Đinh Mai Phong, Phó Giám đốc Ban tín dụng Học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, NHCSXH đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội, theo đó tổng nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội giai đoạn 2025-2030 qua NHCSXH khoảng 38.000 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước bố trí cấp 50% nguồn vốn, NHCSXH huy động vốn đáp ứng 50%. Riêng năm 2025, NHCSXH đã được bổ sung tổng số nguồn vốn để cho vay NOXH là 4.836 tỷ đồng. Ngoài ra nguồn vốn để cho vay chương trình còn được ngân sách các tỉnh, thành phố uỷ thác sang NHCSXH để cho vay đến thời điểm này là 1.194 tỷ đồng.

Năm 2025 được kỳ vọng là năm khởi sắc cho thị trường nhà ở xã hội tại Việt Nam, nhờ vào những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, với mục tiêu giải quyết bài toán thiếu hụt nhà ở cho người có thu nhập thấp, những thay đổi trong các quy định tín dụng và pháp lý liên quan sẽ mở ra cơ hội lớn cho cả nhà đầu tư và người dân.

Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở năm 2023 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Theo đó, một số quy định mới so với trước đây, gồm:

(1) Đối tượng vay vốn tại NHCSXH đã được mở rộng hơn (bổ sung: thân nhân liệt sĩ; Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác; Lực lượng vũ trang nhân dân vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang nhân dân.

(2) Nhiều điều kiện vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân đã được giảm bớt so với trước đây.

(3) Điều chỉnh mức cho vay đối với xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở lên tối đa 1 tỷ đồng, trước đây là 500 triệu đồng.

(4) Điều chỉnh lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ, (hiện nay là 6,6%/năm).

Mời quý vị nghe ông Đinh Mai Phong, Ngân hàng Chính sách xã hội tư vấn, giải đáp các thắc mắc cụ thể về vay vốn mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây mới, cải tạo nhà để ở tại đây: