Tại Hội nghị nghị tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách về BHXH, BHYT được tổ chức mới đây, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến đã chỉ ra hàng loạt hành vi lạm dụng quỹ BHYT, BHXH, gây thất thoát không nhỏ cho quỹ BHYT, BHXH. Đơn cử, trong năm 2022, Trạm trưởng y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam Phan Thanh Sơn đã "đơn thương độc mã", vừa khám, vừa nhập thông tin giấy nghỉ ốm, lập chứng từ hưởng bảo hiểm y tế cho hơn 4.000 công nhân lao động trên địa bàn. 6 tháng đầu năm 2023, Sơn cũng đã lập giấy tờ cho hơn 2.000 người để những người này hưởng chế độ BHXH. Ngày 08/08 vừa qua, cơ quan Công an thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phan Thanh Sơn nguyên Trạm trưởng Trạm y tế phường Đồng Văn về tội Giả mạo trong công tác.

Cơ quan BHXH cũng đã phát hiện có trường hợp “lạ” như một mắt phẫu thuật Phaco 2 lần trong khoảng thời gian ngắn; sử dụng thẻ BHYT của người đã chết; trong cùng một thời gian, có người khám chữa bệnh tại 2 cơ sở y tế... Hài hước hơn, Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến đã kiểm tra và phát hiện, có người vừa đẻ thường/đẻ mổ sau 5 tháng, thậm chí có người sinh con sau khi đã… cắt toàn bộ tử cung; có người mới cắt toàn bộ dạ dày, 5 tháng sau đi cắt tiếp… một phần dạ dày. Thậm chí, còn có “nghề” đi khám bệnh với nhiều hình thức.

BHXH Việt Nam đã "thử" thống kê trên 1 bệnh nhân, trong khoảng thời gian từ 5/9/2022 đến 4/8/2023 (chưa tròn 1 năm) đã đi khám bệnh 249 lần tại 8 cơ sở y tế và được chẩn đoán mắc 77 bệnh. Số tiền bệnh nhân này được thanh toán khám chữa bệnh hơn 40 triệu đồng (số tiền không phải là quá nhiều), nhưng bệnh nhân này được kê hơn 155 loại thuốc uống với hơn 11.000 viên thuốc các loại. “Bệnh nhân đến cơ sở này làm một đơn thuốc, cơ sở khác lại một đơn thuốc khác, rất nhiều thuốc các tác dụng ngược nhau” - Ông Dương Tuấn Đức chia sẻ

Ông Đức cũng chỉ ra thêm hình thức trục lợi khá phổ biến đó là có tình trạng chỉ định nằm viện với các bệnh có thể điều trị ngoại trú. Điển hình như bệnh viêm họng cấp, qua thống kê của BHXH Việt Nam: Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận có 161 lượt bệnh nhân nằm viện, với tổng số tiền chi điều trị là 154,3 triệu đồng, tiền giường là 105,7 triệu đồng. Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, có 128 lượt bệnh nhân nằm viện vì viêm họng cấp, được chi số tiền chi điều trị là 117 triệu đồng và tiền giường là 75,8 triệu đồng…

Thống kê từ Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến, từ năm 2019 đến thời điểm này, cơ quan BHXH đã phát hiện khoảng gần 2,9 triệu lượt người dùng thẻ BHYT đi khám bệnh trên 20 lần/năm; hơn 725 nghìn người khám trên 50 lần/năm và hơn 10.400 người sử dụng thẻ trên 100 lần/năm với số tiền thanh toán BHYT lên đến gần 54 tỷ đồng.

Theo quy định của pháp luật, tùy vào từng hành vi trục lợi BHYT mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Tại Điều 215 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội gian lận BHYT, khung hình phạt cao nhất mà người phạm tội có thể bị áp dụng là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu chiếm đoạt tiền BHYT từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm./.