Nếu nhiều năm trước, cụm từ "xanh hoá" được nhắc đến như một xu hướng sản xuất mới thì nay đã trở thành một yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã có những quy định liên quan đến quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp chỉ có cách tiếp tục đầu tư, nâng cấp máy móc công nghệ để giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.

"Muốn cạnh tranh được không có con đường nào khác là doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới, làm thế nào có thể đưa được những công nghệ, quản trị công nghệ số và doanh nghiệp để tăng năng suất, giảm nhân công không cần thiết, phát triển các sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng…", ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Xu hướng lựa chọn hàng tái chế, sản phẩm xanh và sử dụng nguyên liệu bền vững ngày càng được khách hàng lựa chọn và chấp nhận giá thành cao hơn. Đây cũng là một lợi thế khi doanh nghiệp tham gia sớm các quy trình chuẩn quốc tế.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các quy chuẩn và đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp về trách nhiệm đối với môi trường, xã hội trước khi các sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

"Chúng ta biết rằng, các thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam, đặc biệt thị trường EU đã đưa ra chiến lược mới về dệt may. Đó là việc sản phẩm phải có vòng đời cao và có thể tái chế, thậm chí sản phẩm phải đảm bảo một tỷ lệ tái chế nhất định, có thể là tân trang, tái sử dụng để chống ô nhiễm môi trường", ông Trương Văn Cẩm nói.

Hiện nay, việc tuân thủ các quy định pháp luật về Bảo vệ môi trường không chỉ là nghĩa vụ “phải làm” đối với các doanh nghiệp mà từng bước đã trở thành “động lực tìm kiếm lợi nhuận bền vững”, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

Ông Phạm Hoàng Hải, Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững Việt Nam nhấn mạnh: "Nếu doanh nghiệp có thể chuyển đổi từ từ để dần tối ưu hóa quá trình sản xuất và giảm lượng thải cacbon, giám tác động xấu đến mặt môi trường, sau đó khi chúng ta có được giá trị kinh tế, tái đầu tư dây truyền sản xuất công nghệ một cách tiên tiến hơn, chúng ta có thể tận dụng chi phí đầu tư cũng như tạo ra giá trị lợi nhuận cao hơn".

Theo Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, Trưởng ban pháp chế Trung ương, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, trước các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng, việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường được các doanh nghiệp vừa và nhỏ chú trọng hơn, các yêu cầu ngày càng chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường trong xuất, nhập khẩu hàng hóa và nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng cao đã làm cho nhận thức của doanh nghiệp đối với hoạt động Bảo vệ môi trường không ngừng được nâng cao.

"Ví dụ, sử dụng những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu xanh thì chúng ta có bắt buộc sử dụng không? Hiện nay chưa có quy định pháp luật nào yêu cầu phải sử dụng cả. Nhưng vì sao doanh nghiệp nên sử dụng vì nó thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và cũng đảm bảo quyền lợi, lợi ích kinh tế của chính doanh nghiệp. Việc sử dụng nguyên vật liệu phải đi đôi với những giải pháp về kỹ thuật, công nghệ. Dĩ nhiên, việc đầu tư công nghệ sẽ tốn nhiều chi phí nhưng đầu tư vào công nghệ là đầu tư cho tương lai", Luật sư Hà Huy Phong chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, bên cạnh những doanh nghiệp có ý thức Bảo vệ môi trường, trong quá trình sản xuất – kinh doanh vẫn còn tồn tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức hoặc biến nhận thức thành hành động. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đầu tư cho Bảo vệ môi trường, hoạt động Bảo vệ môi trường chưa được tiến hành thường xuyên, chưa trở thành nhận thức hành động của các doanh nghiệp, còn mang nặng tính đối phó, thời vụ.

Luật sư Hà Huy Phong nhấn mạnh: "Luật Bảo vệ Môi trường đang được phát triển theo cách thức tăng trách nhiệm của doanh nghiệp tương ưng với cấp độ tác động vào môi trường. Tác động ít thì trách nhiệm ít, tác động nhiều thì trách nhiệm nhiều. Trước khi có Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, cách chúng ta tiếp cận kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững, trách nhiệm xã hội nó thiên về kêu gọi tự nguyện, tự giác. Nhưng kể từ 1/1/2022 sẽ là trách nhiệm pháp lý và doanh nghiệp phải thực hiện, không thực hiện anh phải chịu trách nhiệm chế tài".

Bên cạnh xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật môi trường, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, Luật sư Hà Huy Phong cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về Bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tế, nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật môi trường:

"Trên thế giới hiện nay đều có hành lang rất cụ thể, đơn vị nào sử dụng năng lượng hóa thạch thì thuế cao hơn rất nhiều và chi phí bảo vệ môi trường cao hơn rất nhiều và doanh nghiệp bắt buộc tìm cách để tiết giảm các khoản chi phí như vậy", Luật sư Hà Huy Phong chia sẻ.

Để phát triển lâu dài và bền vững các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực thi đúng các quy định của Pháp luật về môi trường để đạt được những mục đích, lợi nhuận tốt nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bấm nghe phóng sự: