Giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường sản xuất, lượng nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu của người dân tăng cao. Đặc biệt, việc thắp hương, đốt vàng mã tại gia đình hay tại các đình, chùa, miếu, nơi tổ chức các hoạt động lễ hội để thờ cúng… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ.

Theo thống kê, trong tháng 1/2024, trên địa bàn cả nước xảy ra 376 vụ cháy, nổ, làm 5 người chết và 1 người bị thương, thiệt hại ước tính 19,5 tỷ đồng, gấp 4,6 lần tháng trước và gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước.

Điển hình như giữa tháng 1, tại khu vực Mộ Thầy, phường Phú Hài, tỉnh Bình Thuận, người dân phát hiện đám cháy lúc 2 giờ chiều. Nguyên nhân là do người dân dọn dẹp cỏ quanh mồ mả, đốt cỏ rác nhưng không dập tắt trước khi ra về. Đám cháy này cách nhà dân một khoảng cách ngắn. Nếu người dân không phát hiện, dập tắt kịp thời, thì hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Cũng giữa tháng 1, vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà số 4 phố Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội làm 4 người thương vong. Theo thông tin ban đầu, ngôi nhà bị cháy dạng ống, cao 4 tầng, diện tích khoảng 20m2/tầng, tầng 1 kinh doanh hoa tươi.

Chỉ sau đó vài ngày, một vụ cháy kèm lửa lớn bốc cao xảy ra trong một bãi gửi xe ô tô gần chung cư mini trên phố Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Một số ô tô đã bị ảnh hưởng, trong đó một xe ô tô 7 chỗ bị hư hỏng nặng. Rất may không có thiệt hại về người. Lửa nhiều khả năng xuất phát từ một trong số các ô tô được gửi tại đây. Hiện nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Năm vừa qua, những vụ cháy lớn đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Theo thống kê, năm 2023 nguyên nhân các vụ cháy đã được điều tra làm rõ có khoảng 81% tổng số vụ cháy xảy ra nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do sự bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, sử dụng điện không an toàn.

Theo Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cháy, nổ là do ý thức của người dân khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, khi sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt để gần các chất dễ cháy, nổ. Trong quá trình sử dụng bếp gas, đun nấu không có người trông coi…

Ngoài ra còn có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Ngày nay, các hộ gia đình sử dụng thiết bị tiêu thụ điện nhiều, mua đông thì sử dụng thêm các thiết bị như đèn sưởi, quạt sưởi có công suất lớn, mùa hè thì sử dụng điều hòa. Tuy nhiên khi lắp đặt các thiết bị tiêu thụ điện các hộ gia đình không kiểm tra đường dây dẫn điện có chịu tải được các thiết bị tiêu thụ điện hay không.

Hơn nữa, nhiều gia đình chủ quan trong quá trình sử dụng điện, cắm quá nhiều thiết bị điện công suất lớn trên cùng một ổ cắm, câu mắc điện, nạp sạc xe điện, thiết bị pin, sạc dự phòng qua đêm hoặc không trông coi. Nhiều ngôi nhà được xây dựng lâu lăm, tuy nhiên, trong quá trình sử dụng không kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng hệ thống, thiết bị tiêu thụ điện dẫn đến nhiều thiết bị bị bị rỉ sét, chuột cắn gây chập cháy.

Vào những giáp Tết, người dân thường dự trữ nhiều hàng hóa, có thói quen, tục lệ thắp hương, thực hiện các nghi thức tâm linh, đốt vàng mã. Thế nhưng, chỉ cần bất cẩn một chút thôi thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đã có nhiều sự việc đau lòng xảy ra, điển hình như vụ cháy gây tử vong 4 nam thanh niên khi làm lễ cúng “ông Công, ông Táo” vào năm 2021 tại quận Đống Đa, Hà Nội. Khi hóa vàng trong căn phòng trọ nhỏ, những thanh niên này đã chủ quan dẫn đến cháy lớn. Một sự chủ quan khác vào năm 2022, một chủ nhà ở phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội thắp hương cúng nhưng bất cẩn khiến cho lửa cháy bao trùm nơi thờ tự của gia đình. May mắn lực lượng Cảnh sát Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Công an quận Ba Đình đã có mặt kịp thời nên không có thương vong về người.

Từ thực tế đau lòng bởi sự bất cẩn trong việc thắp hương, đốt vàng mã ngày Tết, Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần chấp hành các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy:

- Tự kiểm tra, khắc phục tồn tại về phòng cháy chữa cháy tại nơi ở và nơi làm việc.

- Thương xuyên học tập kiến thức và kỹ năng an toàn phòng cháy chữa cháy qua các buổi tuyên truyền tại khu dân cư, nơi làm việc hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng mạng xã hội vv…

- Tham gia vào các Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu vực mình sinh sống.

- Trang bị các phương tiện cảnh báo cháy sớm, phương tiện phá dỡ, bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, dây hạ chậm tại gia đình.

Đối với các nơi thờ tự thì cần bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, trang bị phương tiện thiết bị phòng cháy chữa cháy, khi thắp hương tại các nơi thờ tự cần để các vật dụng dễ cháy cách xa.

- Bố trí đầy đủ các lối và đường thoát nạn, có đèn e xít, đèn chỉ dẫn thoát nạn.

- Đối với người đến các nơi thờ tự cần chấp hành nghiêm các nội quy an toàn phòng cháy chữa cháy và thoát nạn, khi thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã phải đúng nơi quy định.

Có thể nói, để chủ động phòng ngừa những sự cố cháy, nổ có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán, việc tuân thủ các biện pháp phòng chống cháy nổ là rất quan trọng và cấp thiết. Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an: