Thống kê của Bộ Công an cho biết, dữ liệu cá nhân của 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau.

Có thể kể ra một số vụ việc điển hình liên quan tới việc để lộ, lọt dữ liệu cá nhân thời gian qua như việc Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu thông tin email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán của khách hàng; vụ tin tặc đã tấn công vào hệ thống máy chủ của Việt Nam Airline, đăng tải lên Internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên của chương trình Bông Sen Vàng; hay vụ dữ liệu khách hàng của Công ty FPT bị đăng tải công khai trên mạng.

Tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng quan tâm và đặt câu hỏi liên quan đến công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, tình trạng rao bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Đại biểu Quốc Hội Siu Hương (Gia Lai) đặt vấn đề, việc bảo vệ thông tin cá nhân được Hiến pháp và pháp luật quy định rất rõ, nhưng hiện nay việc rao bán, sử dụng dữ liệu cá nhân vi phạm phổ biến. Đơn cử như những thông tin quảng bá sản phẩm hiện nay đều lấy thông tin dữ liệu cá nhân trái phép, vi phạm rất lớn.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán dễ dàng trên các hội nhóm. Mặc dù thời gian qua công an địa phương triệt phá nhiều thông tin nhưng còn nhiều đối tượng chưa được phát hiện xử lý.

Bộ trưởng Bộ Công An, ông Tô Lâm cho rằng thực trạng của việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên thế giới và nước ta đang ở mức rất đáng báo động. Các hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và ý thức của người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa cao là nguyên nhân gây ra lộ, lọt dữ liệu cá nhân. Hiện nay, Bộ Công An đang xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tích cực điều tra xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt và giao bán dữ liệu cá nhân.

Ông Nguyễn Minh Thành, chuyên gia tư vấn về an toàn thông tin cho rằng, trong thực tế, tình trạng mua bán thông tin cá nhân diễn ra công khai trên mạng. Người dân có thể dễ dàng tìm được những đường link, lời giới thiệu mua bán thông tin cá nhân. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Thành, một phần khá quan trọng là do lỗ hổng trong chính sách bảo mật thông tin của các doanh nghiệp.

Tin tặc thì có thể lợi dụng rất nhiều cách để lấy được những thông tin dữ liệu khách hàng mà doanh nghiệp đang nắm giữ. Nhưng theo ông Thành, cũng không loại trừ trường hợp, chính các cá nhân trong nội bộ của doanh nghiệp để lộ lọt thông tin đó ra ngoài hoặc bán cho bên thứ ba để thu lợi.

Hiện tại chúng ta đã có Nghị định số 15/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dich điện tử. Đối với hành vi “cung cấp hoặc chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân đã thu thập cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác” thì bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay cũng cần coi thông tin cá nhân là một tài sản và cần được bảo vệ tốt hơn. Chế tài cần nghiêm khắc hơn vì lợi ích từ việc mua bán dữ liệu cá nhân mang lại khá cao. Mọi thông tin cá nhân, từ nơi bạn ở, số thành viên trong gia đình, thói quen, hành vi...những thứ bạn nghĩ có mất cũng chẳng hại gì - thực chất đều có thể biến thành tiền đối với những người muốn sử dụng chúng.

Hầu hết các thông tin cá nhân của người sử dụng hiện nay ở Việt Nam đều do chính người sử dụng tự đưa lên như việc thông tin về ngày tháng năm sinh, trường học, nơi làm việc, nơi ở... kê khai trong các ứng dụng mạng xã hội được người dùng để ở chế độ công khai. Do vậy, mỗi người dùng mạng Internet cần tự trang bị kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân, hạn chế tối đa việc cung cấp, chia sẻ thông tin để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, tránh những hậu quả đáng tiếc./.