Từ năm 2017, bà Dương Thị Tiếp ở thôn 6 xã Đông Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện. Bà Tiếp chọn phương thức đóng 5 năm 1 lần vì số tiền đóng sẽ được giảm hơn so với từng tháng, từng quý. Tìm hiểu kỹ hơn về BHXH tự nguyện, bà Tiếp thấy được lợi ích của chính sách mang lại nên bà đã động viên các con trai, con gái trong gia đình, vốn là lao động tự do và bà con lối xóm cùng tham gia để khi hết tuổi lao động, cuộc sống đỡ vất vả. "Tham gia BHXH để rồi an nhàn khi tuổi già, không phụ thuộc vào con cái. BHXH tự nguyện để sau này về già có lương hưu." - bà Tiếp nói.

Nếu như bà Tiếp là người lao động tự do, không có lương hưu thì bà Dương Thị Vân ở thôn Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình lại là đối tượng đang được hưởng chế độ hưu trí. Với mức lương hơn 7.500.000 đồng/tháng, bà Vân thấy cuộc sống của người hết tuổi lao động như bà khá thoải mái vì bà không phải lo toan mưu sinh hàng ngày lại được chăm sóc sức khỏe mỗi khi ốm đau, có tiền tích lũy để vài ba năm đi du lịch đây đó một lần. Tuy nhiên, con bà Vân lại là lao động tự do, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Thấy được tác dụng tích cực của chính sách hưu trí khi về già, bà đã vận động các con tham gia BHXH tự nguyện. 5 năm nay, tất cả những người con của bà đều tham gia BHXH. "Người nào có ít tiền thì đóng ít, nhiều tiền thì đóng nhiều nhưng mỗi người đều phải xây dựng tính tiết kiệm khi tuổi còn trẻ để vui vẻ lúc về già vì có lương hưu, cuộc sống không còn phải vất vả nữa".

Suy nghĩ của bà Vân, bà Tiếp cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người, chính vì vậy số người tham gia BHXH tự nguyện thời gian qua đã tăng. Tính đến hết tháng 6/2022, số người tham gia BHXH đã đạt hơn 17 triệu người (đạt 87,7% kế hoạch), tương đương khoảng 34% LLLĐ trong độ tuổi, tăng 81,7 nghìn người so với tháng trước, tăng 275,5 nghìn người so với cuối năm 2021, tăng 686 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, chiếm 33,26% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó: BHXH tự nguyện khoảng 1,323 triệu người. Số người tham gia BHTN khoảng 13,794 triệu người (tăng gần 4,1% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với hết năm 2021), chiếm 27,28% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Để có kết quả trên, BHXH Việt Nam chủ động triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia như: Phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện và các dịch vụ thu khác tích cực tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tập trung đổi mới nội dung phù hợp với nhiều vùng, miền, tập trung hội nghị khách hàng, cải cách thủ tục hành chính…..

Do quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng phải tăng theo. Đi liền với việc tăng đóng này, Chính phủ cũng tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 lên tương ứng. Tính ra, mức đóng BHXH tự nguyện chỉ tăng lên đối với các trường hợp đóng dưới mức 330 nghìn đồng/tháng, còn đối với các trường hợp đóng trên mức 330 nghìn đồng/tháng thì không có sự thay đổi mà còn được Nhà nước hỗ trợ tăng thêm. Việc này gây phần nào khó khăn nhất định do một số nhóm hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn do Covid kéo dài ảnh hưởng việc làm và thu nhập với người lao động là một trong những nguyên nhân trong 6 tháng đầu năm 2022 số người tham gia BHXH tự nguyện của cả nước chỉ tăng gần 42.000 người, trong khi 6 tháng đầu năm 2021 số người tham gia BHXH tự nguyện tăng gần 49.000 người.

Để biết rõ hơn về quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện, mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên Đài TNVN với ông Nguyễn Xuân Tư - Phó Trưởng phòng Quản lý thu và đối tượng tự đóng - Ban Quản lý Thu, sổ, thẻ - Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại đây: