Để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trong quản lý thuế, chính sách thuế đã trao cho người nộp thuế quyền thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp thuế; quyền tự đăng ký, phát hành, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT),....

Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận không nhỏ tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cá nhân đã thực hiện các hành vi vi phạm về hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của ngân sách Nhà nước.

Năm 2021, cơ quan thuế cả nước giải quyết hoàn thuế đối với 4.462 quyết định hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn; số thuế không đủ điều kiện hoàn của kiểm tra hồ sơ là 2.507 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 1,5% tổng số thuế đề nghị hoàn. Toàn ngành thuế thực hiện được 5.240 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 811 tỉ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế cả nước giải quyết hoàn thuế đối với 2.998 quyết định hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn; số thuế không đủ điều kiện hoàn của kiểm tra hồ sơ là 1.870 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 1,7% tổng số thuế đề nghị hoàn. Ngành thuế đã thực hiện được 4.646 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 414,39 tỉ đồng..

Ông Giang Văn Hiển, Phó Cục trưởng, Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế cho biết, qua nghiên cứu các vụ án chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT mà cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua cũng như qua công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, cơ quan thuế nhận diện một số dấu hiệu vi phạm về hoàn thuế GTGT điển hình như DN trung gian mua hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa thu gom theo bảng kê để không phải kê khai nộp thuế hoặc hợp thức hóa khống hóa đơn mà không có hàng hóa để bán cho DN hoàn thuế; DN hoàn thuế lập chứng từ hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào hoặc sử dụng hóa đơn của DN bỏ địa chỉ kinh doanh; doanh nghiệp hoàn thuế GTGT sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của DN không có hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh, thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương khác nhau để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT; xuất khẩu hàng hóa nhưng bên nhập khẩu không tồn tại: mua hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng và nâng khống giá trị lô hàng xuất khẩu; giả mạo hồ sơ vận chuyển xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu khống, ký khống hợp đồng mua bán hàng hóa, xuất khẩu quay vòng hàng hóa để xuất khẩu; cấu kết mượn hàng lập khống hồ sơ xuất khẩu; lập nhiều công ty nhưng thực tế không có hoạt động sản xuất kinh doanh để mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép.

Để chống gian lận hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế triển khai một số giải pháp nhằm phát hiện các trường hợp DN có dấu hiệu rủi ro và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý thu hồi hoàn thuế. Cụ thể, xây dựng và triển khai toàn ngành áp dụng Bộ tiêu chí và chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, lựa chọn DN có dấu hiệu rủi ro để lựa chọn, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT; hoàn thiện hệ thống ứng dụng hỗ trợ xác minh hóa đơn tại cơ quan Thuế, đẩy nhanh thời gian xác minh và tập trung thông tin làm cơ sở xác minh nguồn gốc hàng hóa; phối hợp với các cơ quan chức năng khác như hải quan, ngân hàng để xác minh giao dịch...

Ngành thuế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, phối hợp doanh nghiệp, cá nhân trong việc thực thi pháp luật thuế, kịp thời phát hiện, phản ánh các trường hợp DN có dấu hiệu rủi ro để ngành thuế tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý, thu hồi hoàn thuế, góp phần chống thất thu trong hoàn thuế GTGT. Các doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế GTGT nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thủ tục hoàn thuế tăng theo quy định của pháp luật - ông Giang Văn Hiển nói.

Mời quý vị nghe toàn bộ cuộc trao đổi của PV VOV2 với ông Giang Văn Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế về các quy định liên quan xử lý vi phạm trong hoàn thuế GTGT tại đây: