Chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009, với mục tiêu hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Người tham gia được thụ hưởng 4 chế độ: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp. Đồng thời, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp đến ngày đó của tháng sau trừ 1 ngày. Tuy nhiên với trường hợp tháng sau không có ngày tương ứng thì ngày kết thúc của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày cuối cùng của tháng đó.
Thông tư số 15/2023 cũng đã bổ sung thêm 01 trường hợp được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 1 quy định: Người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nếu người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 36 tháng trở lên làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung sẽ được bảo lưu để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Còn nếu lấy tiêu chí người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung được bảo lưu theo nguyên tắc sau:
Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung để bảo lưu = Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đã xét hưởng trợ cấp thất nghiệp + Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp xác nhận bổ sung - Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp - Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng số tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH quy định có 2 trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đó là: Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì chỉ được giải quyết hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp còn số tháng còn lại chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không được bảo lưu.
Đối với số tháng lẻ chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định hưởng sẽ không được bảo lưu khi người lao động thuộc một trong 3 trường hợp: Không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp; Bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH nêu rõ, các trường hợp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu.
Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng luật sư Đồng đội về chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại đây: