Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp 4.0, giao dịch điện tử là tất yếu trong xã hội.

Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005. Trong 17 năm triển khai thực hiện, hiện có 141 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực liên quan đến Luật Giao dịch điện tử 2005, bao gồm: 26 Luật, 29 Nghị định, 57 Thông tư, 29 Quyết định các cấp và 9 Điều ước quốc tế (6 Hiệp định, 3 Công ước). Trong những năm qua việc thực thi luật đã bộc lộ một số bất cập và hạn chế, nhiều quy định vẫn còn chồng chéo nhau.

Hiểu một cách đơn giản thì "giao dịch điện tử" là những giao dịch được thực hiện trên mạng, giao dịch được thực hiện mà không đòi hỏi các bên gặp mặt trực tiếp trong cùng một không gian và thời gian như đối với giao dịch truyền thống. Với thời đại công nghệ số như hiện nay, thì giao dịch điện tử có thể nói là một bước đột phá khiến các giao dịch có thể trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên để có thể hệ thống Luật và thực thi được hiệu quả thì cần phải có hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử hiện nay. Cụ thể là, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống hàng ngày của chúng ta dẫn đến việc rất nhiều vấn đề thuộc giao dịch điện tử không được quy định cụ thể trong Luật giao dịch điện tử năm 2005. Trên thực tế các chủ thể khi mà hoạt động đã phát sinh rất nhiều các vấn đề. Ví dụ một số sự vụ khi mà ra tòa án giải quyết, có những chứng cứ điện tử, tòa cũng công nhận cái chứng cứ điện tử đó, tuy nhiên nộp cho tòa chứng cứ điện tử đó như thế nào thì lại chưa có quy định. Một bản PDF đó in ra đưa cho tòa thì tòa có công nhận bản PDF đó hay không? Đấy là những điều mà hiện nay chưa có cơ sở quản lý. Hay việc các cơ quan quản lý cấp giấy chứng nhận điện tử thì giấy này được công nhận như thế nào? Chúng ta có thể chuyển đổi chứng thực bản giấy sang bản giấy, nhưng chứng thực từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại thì lại chưa có quy định nào về việc này.

Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và bảo đảm độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: Thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy...

Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử được cho là còn thiếu các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; chưa cập nhật và đồng bộ các quy định về an toàn, bảo mật theo Luật An toàn thông tin mạng, chưa có quy định về việc quản lý các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử.

Đặc biệt, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018; chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử, do vậy, cần cụ thể hóa nội dung này trong dự thảo luật…

Từ khi Luật Giao dịch điện tử 2005 được ban hành đến nay, Chính phủ mới chỉ ban hành Nghị định hướng dẫn về chữ ký số mà chưa ban hành bất kỳ quy định nào để giải thích về chữ ký điện tử an toàn, dẫn đến nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua liên quan đến tính an toàn của chữ ký điện tử mà không phải là chữ ký số, dẫn đến sự thiếu tin tưởng của các bên khi tham gia giao dịch điện tử, sự nhầm lẫn giữa chữ ký điện tử và chữ ký số, thậm chí quan niệm chỉ có chữ ký số mới là an toàn.

Có thể nhận thấy rằng giao dịch điện tử có vai trò khá quan trọng, góp phần vào việc giảm thiểu những thủ tục hành chính rườm rà, rút ngắn thời gian và khoảng cách địa lý. Cho đến thời điểm hiện nay thì chúng ta đã thấy sự hiện diện của giao dịch điện tử trên nhiều lĩnh vực: hành chính công, thương mại, lao động ....

Mỗi nhóm giao dịch điện tử thì sẽ có những ưu điểm riêng trong lĩnh vực triển khai song nhìn chung việc giao dịch điện tử được thiết lập sẽ có những ưu điểm hơn so với giao dịch truyền thống đó là: Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho các bên tham gia giao dịch điện tử; Không bị trở ngại bởi không gian địa lý, chênh lệch thời gian, chỉ cần có thiết bị kết nối mạng internet thì bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể thiết lập một giao dịch điện tử với bên còn lại dù ở bất cứ đâu và thời điểm nào; Minh bạch trong việc thực hiện giao dịch vì mọi thao tác đều được lưu trữ trên hệ thống thiết lập giao dịch điện tử./.