Căn cứ theo khoản 1 Điều 18 và điểm 1.2 khoản 1 Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH, mỗi tháng, cán bộ, công chức viên chức sẽ phải đóng quỹ Bảo hiểm y tế theo tỷ lệ sau: Mức đóng bảo hiểm y tế của cán bộ, công chức, viên chức = 1,5% x Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trong đó, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của nhóm đối tượng này là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở.

Với việc tăng lương cơ sở đã tác động khá lớn đến mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các nhóm đối tượng là người lao động có lương, phụ cấp căn cứ theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng; người làm việc ở nước ngoài có hợp đồng theo luật hoặc hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài theo quy định; viên chức quản lý, bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch công đoàn chuyên trách tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ có hệ số lương tại nghị định 52/2016 cũng thuộc đối tượng điều chỉnh.

Mức đóng bảo hiểm y tế của nhóm đối tượng này sẽ tăng theo mức phụ thuộc vào hệ số lương mà người đó đang được nhận. Từ ngày 1/7, mức đóng bảo hiểm y tế tối đa sẽ từ 447.000 đồng/tháng lên thành 540.000 đồng/tháng.

Nhóm người được ngân sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế và nhóm tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình có mức bảo hiểm y tế đóng dựa vào mốc 1.800.000 đồng/tháng. Các trường hợp đóng đủ tiền vào quỹ bảo hiểm y tế hoặc được cấp thẻ trước ngày 01/7 thì cả người tham gia và ngân sách không phải đóng bổ sung.

Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp, đơn vị quản lý, người tham gia đóng bảo hiểm được biết. Cùng với đó, Trung tâm Công nghệ thông tin điều chỉnh, bổ sung phần mềm quản lý thu đáp ứng quy định mới.