Hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND được sửa đổi lần này theo hướng tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi); tăng 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 05 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 03 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt.

Lộ trình tăng tuổi phục vụ trong CAND thực hiện theo hướng mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 02 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.

Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Đại diện Bộ Công an cho biết, qua các thời kỳ, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an được xác định ở nhiều mức độ khác nhau, phần lớn là thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu của người lao động và tương đồng với tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động).

Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và đặc thù của lực lượng Công an nhân dân thì tùy từng cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, Bộ Công an đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ khác nhau, trong đó, cao nhất là Cấp Tướng, Đại tá: Nam 62 tuổi; Nữ: 60 tuổi; sĩ quan có cấp bậc Thượng tá: Nam 60 tuổi, nữ 58 tuổi; Sĩ quan có cấp bậc hàm Trung tá, Thiếu tá, hạ sĩ quan thì tăng 02 tuổi so với quy định hiện hành; bởi vì, việc quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cần căn cứ vào tính chất đặc thù của lực lượng Công an nhân dân, thường xuyên tiếp xúc với lĩnh vực công tác có tính nguy hiểm, độc hại nên đòi hỏi cao về thể chất và tinh thần để thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động).

Quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan soạn thảo cũng đã tiến hành đánh giá tác động của các chính sách đề nghị xây dựng Luật. Theo đó, nếu việc sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an được thông qua và thực hiện trên thực tế theo đánh giá, các quy định này sẽ có tác động tích cực đối với xã hội, đặc biệt sẽ tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cao, có nhiều kinh nghiện thực tiễn. Ngoài ra, nếu nâng hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thì tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để cán bộ, chiến sĩ đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất (theo quy định hiện hành, nam đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm trở lên, nữ đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%); đồng thời, giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội nói chung khi kinh phí cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội tăng lên.