Tăng tuổi hưởng lương hưu từ tháng 7/2025

Theo Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Trong đó, chế độ hưu trí được nhận khi hội tụ đủ hai điều kiện là có 20 năm đóng BHXH và nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi. Mức hưởng lương hưu tương tự người tham gia BHXH bắt buộc.

Trường hợp người tham gia BHXH bắt buộc, sau đó tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, lương hưu sẽ được tính trên tổng thời gian đã đóng BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, trong Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo tiếp tục giữ quy định trên đối với người đang tham gia BHXH tự nguyện nhưng điều chỉnh tăng tuổi hưởng lương hưu đối với người tham gia mới. Cụ thể, người bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành và có đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Nếu đề xuất được thông qua, từ ngày 1/7/2025, ngày dự luật có hiệu lực, tuổi hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh tăng theo quy định chung.

Cụ thể, người lao động (NLĐ) đóng 15 năm BHXH và đủ 61 tuổi 3 tháng đối với nam, đủ 56 tuổi 8 tháng đối với nữ. Sau đó, tuổi hưởng lương hưu mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và 4 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Quy định trên nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng tăng tuổi nghỉ hưu chung. Bên cạnh đó, việc cho những người đã tham gia BHXH được nhận lương hưu theo quy định cũ nhằm kế thừa những cam kết của Nhà nước, tránh ảnh hưởng tiêu cực, giảm niềm tin của người dân vào chính sách BHXH tự nguyện.

Cùng với việc tăng thời gian hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất người lao động ở khu vực tự nguyện chỉ cần tham gia BHXH 15 năm là có thể nhận lương hưu, thay vì 20 năm như trước.

Đối với nữ, mức hưởng lương hưu sau khi giảm năm đóng vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, trong khi đó đối với nam giảm xuống còn 33,75%. Mỗi năm đóng thêm, cả nam và nữ sẽ tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện như sau: Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện phù hợp.