Sàn Forex là tổ chức đóng vai trò trung gian kết nối giữa những người đầu tư, những tổ chức có nhu cầu lại với nhau hay giữa 1 bên (muốn) mua và 1 bên (muốn) bán, để từ đó tạo ra thanh khoản cho thị trường trên nền biến động của tỷ giá hối đoái.

Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho biết: Từ trước tới nay, sàn tiền tệ là đỉnh cao của thị trường tài chính. Thông thường ở đó, những người tham gia giao dịch là những cá nhân, tổ chức chuyên nghiệp, thậm chí là định chế tài chính như: Ngân hàng, quỹ tài chính, các công ty bảo hiểm lớn hoặc sở giao dịch của các ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều sàn giao dịch forex nở rộ trên nền tảng giao dịch điện tử, thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó có rất nhiều người chơi "nghiệp dư".

Bên cạnh cơn sốt đầu tư tiền ảo, rất nhiều học sinh, sinh viên, công chức trẻ tuổi cũng đang tham gia giao dịch trên sàn forex. Chỉ cần lướt qua một số hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, Tiktok, có thể dễ dàng bắt gặp những nhà đầu tư đang hừng hực khí thế “làm giàu không khó”. Các chủ sàn đều đưa cam kết, khi đầu tư vào sàn nào đó cũng đều có lãi từ 15-30%. Chính sự "mời gọi" hấp dẫn này đã thu hút được rất đông người tham gia, nhiều sàn forex có số tiền giao dịch lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ.

Theo thống kê của Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội, hiện nay thị trường Việt Nam có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư và tự gọi là "chơi Forex". Và chắc chắn, con số không dừng tại đó.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: Hiện Nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức khác đều là vi phạm pháp luật. Do vậy, tất cả các sàn forex hiện đang hoạt động ở Việt Nam là bất hợp pháp hoặc chỉ là đại lý, môi giới liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sàn nước ngoài. Do đó khi người chơi tham gia vào các sàn này nếu rủi ro xảy ra sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia.

Về xử lý vi phạm, người kinh doanh ngoại tệ trái phép nếu chưa đến mức xử lý hình sự sẽ bị phạt theo Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Nếu gây thiệt hại cho người khác, có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Các sàn giao dịch bất hợp pháp thường có cách thức gian dối, lừa đảo sẽ bị xử lý về các tội hình sự liên quan như: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm nhập mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản của người khác…. với mức phạt lên tới 20 năm tù, thậm chí tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có mức phạt cao nhất là chung thân.

Dù hình thức xử lý với hành vi giao dịch ngoại hối chưa được cấp phép không hề nhẹ nhưng thời gian qua, các sàn forex vẫn được mở tràn lan. Lý giải việc này, luật sư Đức cho rằng, đó cũng là hệ quả của sự "hám lợi" của nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi xảy ra thất thoát, lừa đảo, gian lận tài sản, người "chơi forex" là nạn nhân nhưng đồng thời cũng là kẻ phạm tội vì đã lôi kéo, dụ dỗ người khác, tạo ra cộng đồng rất nhiều người tham gia sàn forex trái phép.

Hiện cơ quan quản lý ở Việt Nam chưa cấp phép bất kỳ sàn đầu tư chứng khoán Forex nào, tất cả sàn đang hoạt động đều không bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Những cá nhân nào tham gia đầu tư vào đây đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật. Do vậy, khi đầu tư lĩnh vực này chúng ta cũng cần quan tâm đến tính chất pháp lý của các tổ chức này, nếu không sẽ biến thành miếng mồi ngon cho các đối tượng lừa đảo.

Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ nội dung cuộc trao đổi của phóng viên VOV2 với chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh liên quan đến hoạt động của các sàn forex hiện nay tại đây: