Việc thay đổi họ tên được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu thay đổi họ trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

b) hay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

- Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu thay đổi họ trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Luật sư Đinh Thị Chúc - Công ty Luật ALadin cho biết:

Theo quy định Bộ luật dân sự 2015, Luật hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thì: Muốn được thay đổi họ tên công dân cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

+ Giấy khai sinh bản chính của người cần thay đổi thông tin họ, tên;

+ Tờ khai theo mẫu quy định của pháp luật;

+ Người đi làm cần mang theo chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu để chứng minh mối quan hệ và tư cách pháp lý để làm việc;

+ Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi họ, tên, chữ đệm (các giấy tờ chứng minh lý do muốn thay đổi, văn bản thỏa thuận, đồng ý cho đổi tên, CMND, Hộ khẩu...).

Trường hợp bố mẹ mâu thuẫn với nhau về việc đặt tên cho con làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 28 Bộ luật dân sự thì ngoài các tài liệu, hồ sơ cần cung cấp theo quy định ở trên thì cần cung cấp các tài liệu chứng minh việc sử dụng tên ảnh hưởng đến tình cảm gia đình để cơ quan chức năng có căn cứ thay đổi tên cho con bạn.

Tài liệu chứng minh việc sử dụng tên ảnh hưởng đến tình cảm gia đình có thể là biên bản hòa giải của tổ dân phố, xác nhận của hàng xóm, anh em, bạn bè về việc gia đình thường xuyên mâu thuẫn về việc đặt tên con. Hoặc có những trường hợp vì bố mẹ cãi nhau dẫn đến ảnh hưởng đến tâm lý của con cái, làm con ảnh hưởng đến việc học, bạn bè và cô giáo của con biết việc này thì việc có văn bản xác nhận của cô giáo cũng là một tài liệu để chứng minh./.

Mời các bạn nghe nội dung cuộc tư vấn của Luật sư Đinh Thị Chúc - Công ty Luật ALadin dưới đây: