Pháp luật nghiêm cấm hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy. Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng cho biết, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người phạm tội có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

"Căn cứ quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Tại khoản 3 Điều 23 quy định về Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca và các loại cây khác có chứa chất ma túy. Tang vật cũng sẽ bị tịch thu." - Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết.

Điều 247 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 Tội trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy:

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc 1 trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Với số lượng 3.000 cây trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

"Những người nước ngoài có hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy trên địa bàn nước ta, theo quy định pháp luật hiện hành của nước ta, trừ người có thân phận ngoại giao được miễn trừ trách nhiệm hình sự, còn lại chính sách xử lý về cơ bản không có sự phân biệt giữa người nước ngoài và người Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ở lại Việt Nam trái phép (Điều 247, Bộ luật Hình sự 1999) và có thể bị áp dụng hình phạt đặc thù là trục xuất. " - Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên chương trình với luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng: