Thời gian qua, việc phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật chủ yếu diễn ra đối với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo ra khoảng trống đối với hoạt động truyền thông các dự thảo chính sách, ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành.

Theo ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, truyền thông chính sách là một phần trong hoạt động của chính phủ nhằm đưa thông tin về chính sách đến người dân, thuyết phục họ thay đổi nhận thức và hành vi đúng pháp luật, là kênh để chính phủ lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng chính sách mới, điều chỉnh chính sách hiện tại, tạo ra sự đồng thuận xã hội. Nhận thức rõ vai trò của truyền thông chính sách sẽ giúp chính phủ và các nhà truyền thông có chiến lược phù hợp, xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Thực tế cho thấy, mục tiêu cốt lõi của truyền thông chính sách là thu hút người dân và những bên liên quan cùng tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến này cũng chưa thực sự hiệu quả. Có nguyên nhân đến từ cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự phối hợp tốt với cơ quan truyền thông báo chí. Cũng có nguyên nhân đến từ sự thờ ơ, thiếu quan tâm của người dân.

Ông Tạ Văn Ngọ, cán bộ văn phòng TW Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, trước đây, các hiệp hội gần như không được tham gia góp ý từ giai đoạn đầu soạn thảo, chỉ đến khi chính sách gần đến ngày ban ngày thì mới được đóng góp ý kiến. Điều này dẫn đến thực trạng đóng góp không được trúng và đúng. Cho nên, nhiều chính sách khi được ban hành khó đi vào cuộc sống, hoặc rất nhanh đã phải sửa đổi, bổ sung.

Không những vậy, một số dự thảo chính sách, dự thảo Luật thực hiện truyền thông chưa thực sự đúng đối tượng, cho nên những ý kiến đóng góp không mang nhiều giá trị.

Để công tác truyền thông chính sách thực sự đem lại hiệu quả, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

Đề án xác định mục tiêu tổng quát là nhằm tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Qua đó, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, sau hơn 1 năm triển khai, Đề án đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật từ sớm, từ xa ngay từ khâu dự thảo nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật để nội dung chính sách, pháp luật thực sự thể hiện ý chí của nhân dân xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Lê Vệ Quốc cho rằng, để công tác truyền thông chính sách trong những năm tới có sự tác động tích cực hơn nữa, cần tăng cường huy động nguồn lực xã hội, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách, tập trung vào sự cần thiết, những tác động, ảnh hưởng của công tác này đến đời sống xã hội, mỗi cá nhân, nhất là đối tượng thụ hưởng trực tiếp.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông dự thảo chính sách. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực cần được thực hiện theo hướng gắn trách nhiệm với quyền lợi khi tham gia, hỗ trợ kinh phí và có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để thu hút sự tham gia của toàn xã hội.

Mặt khác, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần chú trọng phối hợp trong quá trình truyền thông dự thảo chính sách. Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định pháp luật…

Có thể nói, truyền thông chính sách đã thực sự trở thành cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân ngày càng chặt chẽ, bài bản và hiệu quả hơn. Từ đó, nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm của người dân trong tôn trọng, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Mời nghe âm thanh tại đây: