Cuối tháng 4, tại Yên Bái đã phát hiện ra hai chùm ca bệnh của nhóm chuyên gia người Trung Quốc và Ấn Độ. Điều đáng lưu ý là sau cách ly, nhóm chuyên gia Trung Quốc đã di chuyển tới nhiều địa điểm, nhiều nhà hàng, quán bar… tiếp xúc với nhiều người. Còn bệnh nhân số 2.899 tại Hà Nam thì có triệu chứng mắc Covid – 19 sau 3 ngày rời khỏi khu cách ly tập trung tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong ba ngày ấy, bệnh nhân này đã kịp đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, di chuyển bằng nhiều phương tiện công cộng. Kết quả là, BN 2.899 đã lây lan cho 19 trường hợp.

Luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết tùy theo mức độ vi phạm mà người không tuân thủ các quy định cách ly trong thời gian cách ly y tế tại nhà sẽ bị phạt hành chính từ 15 triệu đồng – 20 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự: "Căn cứ theo Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC, người có hành vi: “trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly”; “từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly”; “không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối” được coi là thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người (Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Vì vậy, người này có thể bị truy cứu tách nhiệm hình sự với mức cao nhất là 12 năm tù và phạt tiền lên đến 200 triệu đồng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm."

Các trường hợp phát bệnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung, dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng đã cho thấy vấn đề quản lý hoạt động cách ly của một số địa phương chưa đạt hiệu quả. Công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi còn lỏng lẻo. Thực tế, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Yên Bái, lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái cũng đã thừa nhận việc quản lý, giám sát sau cách ly với nhóm chuyên gia Trung Quốc còn lỗ hổng, sai sót.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty luật hợp danh The Light cho rằng: "Theo tôi, để dịch bệnh tái bùng phát có 1 phần lỗi trong công tác giám sát y tế tại nhà. Những người sau khi hoàn thành cách ly tập trung không tự giác thực hiện cách ly tại nhà, không khai báo đầy đủ với chính quyền địa phương, dẫn đến làm lây lan dịch bệnh. Lỗi này hoàn toàn là lỗi chủ quan do chính chúng ta, do chính công tác cách ly, quản lý cách ly và giám sát sau cách ly. Thiết nghĩ Bộ Y tế cần có quy định chặt chẽ hơn, có biện pháp giám sát người sau cách ly tại nhà, tránh việc họ có thể là nguồn lây lan dịch bệnh."

Còn theo luật sư Trần Xuân Tiền, đối với các cán bộ, nhân viên y tế, những người chịu trách nhiệm với việc theo dõi tình hình cách ly tại địa phương có dấu hiệu tiêu cực, không tuân thủ quy định về công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng cần bị xử lý theo những biện pháp kỉ luật, chế tài hành chính hoặc hình sự tương ứng để hạn chế vi phạm: "Tôi cho rằng cán bộ y tế cũng có lúc lơ là, chủ quan. Thế thì chúng tôi phải xốc lại đội hình. Và chúng ta thấy rằng đương nhiên người ta đã làm để lây lan dịch bệnh thì tùy theo tính chất, mức độ, tùy theo nhiệm vụ đều phải chịu trách nhiệm hết. Không có ai đứng ngoài cuộc chiến chống Covid và không có ai để xảy ra hậu quả mà không bị xử lý."

Hiện nay, Việt Nam đã có hàng nghìn trường hợp cách ly tại nhà sau khi kết thúc cách ly tập trung. Nếu người dân và cơ quan quản lý ở địa phương không tuân thủ nghiêm, lơ là, mất cảnh giác thì hậu quả xảy ra vô cùng nghiêm trọng như những gì đã diễn ra tại Hà Nam, Yên Bái.