Covid-19 và sự gia tăng một số bệnh mạn tính không lây đang là mối quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên diễn biến của dịch HIV/AIDS trong nước cũng cần có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ - đây là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tại Hội nghị triển khai Luật phòng chống HIV/AIDS sửa đổi tổ chức tại Hà Nội sáng 19/01.

Năm 2020, công tác phòng chống HIV/AIDS có nhiều dấu mốc, cụ thể: tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật phòng chống HIV/AIDS.

Một số điểm mới của Luật phòng chống HIV/AIDS

· Mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS

· Bổ sung, luật hóa PrEP

· Giảm độ tuổi được tự nguyện xét nghiệm HIV từ 16 xuống 15 tuổi

· Bổ sung các đối tượng được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV

· Quy định rõ nguồn lực chi trả xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai

· Bổ sung các đối tượng được nhà nước đảm bảo cấp thuốc điều trị HIV/AIDS miễn phí

Cũng trong năm 2020: Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với hàng loạt nhóm giải pháp liên quan đến pháp luật, tài chính, nhân lực; việc mở rộng và luật hóa điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cũng có ý nghĩa rất lớn với những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, trong năm vừa qua cũng có nhiều quan ngại về tình hình lây nhiễm dịch HIV/AIDS. Số nhiễm HIV phát hiện là 13.000 trường hợp, 80% trong số này là nam giới. Tỷ trọng lây nhiễm qua đường tình dục tăng từ 40% lên 70%. 1 số địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng 20 đến 30% số ca nhiễm, phần lớn trong số này ở độ tuổi thanh thiếu niên. Dẫn chứng về trường hợp của tỉnh An Giang, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết: địa phương này từng phát hiện 50 trường hợp dương tính với HIV chỉ trong 1 đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự - đây thực sự là hồi chuông cảnh báo trong vấn đề kiểm soát dịch.

Cũng tại Hội nghị lần này, đại diện Cục phòng chống HIV/AIDS đã thông báo về Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025. Cùng với các dự án điều trị dự phòng khác thì PrEP đang được đánh giá là công cụ hữu hiệu để phòng chống HIV/AIDS hiện nay, với hiệu quả bảo vệ phòng lây nhiễm HIV hơn 90%. Ngoài 27 tỉnh thành phố đang triển khai dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP, trong năm 2021 này, PrEP sẽ được tăng cường thêm cho các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.