Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, người bệnh mang mã thẻ TE1262621XXXXXX sinh năm 2018 có địa chỉ ở Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã được quỹ BHYT chi trả cao nhất là 4,69 tỷ đồng (trong đó năm 2022 là 2,94 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là 1,75 tỷ đồng) do mắc bệnh “Rối loạn khác của chuyển hóa carbohydrat”.

Một người bệnh khác mang mã thẻ là TE1242422XXXXXX sinh năm 2018 có địa chỉ ở thôn Bình An, xã Tiền Phong, huyệnYên Dũng, tỉnh Bắc Giang cũng được quỹ BHYT chi trả lên tới 3,88 tỷ đồng (trong đó năm 2022 trên 2,12 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 gần 1,76 tỷ đồng) do mắc “Bệnh tích luỹ glycogen, viêm phế quản cấp…”.

Tiếp đến là người mang mã thẻ TE1303622XXXXXX sinh năm 2019 có địa chỉ Phường An Lưu, Thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương với tổng chi phí được chi trả là 3,68 tỷ đồng (trong đó năm 2022 là 2,05 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là 1,63 tỷ đồng) với chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hóa xác định khác, viêm phế quản phổi…”.

Người mang mã thẻ TE1424217XXXXXX sinh năm 2017 ở Xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh mắc bệnh “Rối loạn chuyển hóa tyrosine, rối loạn nhịp tim…” cũng được quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 là 3,54 tỷ đồng (trong đó năm 2022 là 2,59 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là 0,95 tỷ đồng).

Ngoài ra, một bệnh nhi 5 tuổi ở phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình được quỹ BHYT chi trả 3,51 tỷ đồng (trong đó năm 2022 là 1,88 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là 1,63 tỷ đồng) với chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hóa carbohydrat”.

Theo BHXH Việt Nam, vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả với số tiền hơn 100.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT. 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có gần 83 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú với số tiền giám định, thanh toán trên 57.000 tỷ đồng, tăng gần 10.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ chỉ định điều trị nội trú bình quân toàn quốc 6 tháng 2023 là 10%, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, 94 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trên 1 tỷ đồng.