Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, việc phòng chống dịch tại TPHCM không chỉ đơn thuần cho thành phố mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Bộ Y tế sẽ cử lực lượng (khoảng 10.000 cán bộ y tế) giúp thành phố lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị... và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ.

Bộ trưởng khuyến nghị TPHCM áp dụng 3 hình thức giãn cách: Toàn thành phố áp dụng theo Chỉ thị 16; một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung.

Với vùng lõi nên tiến hành xét nghiệm 3 ngày/lần, với khu vực nguy cơ cao thì 5 đến 7 ngày/lần, với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp (Bộ Y tế khuyến nghị lấy mẫu gộp 5), lấy mẫu theo hộ gia đình.

TPHCM chuẩn bị 50.000 giường điều trị, bố trí riêng các khu điều trị tập trung cho bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm). Tất cả các bệnh viện trên toàn Thành phố sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng. Khu cuối cùng là điều trị bệnh nhân nguy kịch, gồm BV Chợ Rẫy, BV nhiệt đới TPHCM, BV 115, BV Nhân dân Gia Định.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong tháng 7, sẽ có 8,7 triệu liều vaccine về Việt Nam và ưu tiên cho TPHCM, các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế; ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền. Việc tiêm phòng được chia thành nhiều điểm nhỏ và theo các khung giờ thay vì tập trung điểm lớn; bố trí 30 xe tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư.

TPHCM cũng chuẩn bị khoảng 400 xe taxi phục vụ người dân có nhu cầu đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp cứu. Thay đổi phương thức làm việc cho các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn, số lượng người làm việc tại các công sở không quá 1/3, riêng lực lượng vũ trang và y tế duy trì 100% quân số.

Tận dụng tối đa 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TPHCM đã ban hành kế hoạch kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh với các đầu việc cụ thể, triển khai theo từng ngày để giao nhiệm vụ trực tiếp cho lãnh đạo quận, huyện chịu trách nhiệm triển khai.

TPHCM đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hỗ trợ 500 chuyên gia, sinh viên ngành y tế công cộng, dự phòng để phục vụ công tác truy vết; 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng để chuẩn bị phương án sẵn sàng điều trị cho 20.000 ca nhiễm.