Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bảo hiểm y tế (BHYT) luôn là một trong các giải pháp tài chính bền vững đảm bảo cho người dân được khám bệnh, chữa bệnh, được bảo vệ khỏi các rủi ro về tài chính do các chi phí y tế. Ðối với những người nhiễm HIV/AIDS, BHYT càng trở nên quan trọng trong việc bảo đảm cho họ được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm bớt chi phí điều trị bệnh. Tuy nhiên, nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa hiểu được hết lợi ích của BHYT trong điều trị HIV, thậm chí có người vẫn còn e ngại sử dụng BHYT trong khám, chữa bệnh.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Nhàn - Trưởng phòng Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Việt Nam đang thực hiện chiến lược mở rộng điều trị thuốc ARV sớm cho người nhiễm HIV vì những lợi ích của liệu pháp này. Điều trị thuốc ARV hiệu quả làm giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ bệnh tật, cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV. Không những vậy, điều trị thuốc ARV hiệu quả còn làm giảm lây truyền HIV sang người khác. Người điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml thì không làm lây HIV sang bạn tình qua quan hệ tình dục. Người mẹ có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện (dưới 50 bản sao/mL) thì nguy cơ lây truyền giảm mạnh từ 30-45% xuống dưới 0,5%.

Trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế cho thuốc điều trị ARV giảm mạnh, Việt Nam bắt đầu điều trị thuốc ARV bằng Quỹ BHYT từ đầu năm 2019, hiện đã được gần 3 năm. Đến nay trong số trên 161.000 người đang điều trị ARV thì có trên 90.000 người đang sử dụng thuốc ARV từ nguồn Quỹ BHYT và con số này sẽ tăng lên trên 140.000 người nhiễm HIV vào cuối năm nay. Phác đồ thuốc ARV điều trị từ nguồn Quỹ BHYT hiện nay bao gồm cả phác đồ ARV bậc 1 và bậc 2 (dành cho người thất bại phác đồ bậc 1).

Thông tư số 27/2018/TT-BYT quy định phạm vi, quyền lợi của người nhiễm HIV tham gia BHYT như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV và người tham gia bảo hiểm y tế khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc, điều trị liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế (trừ trường hợp đã được các nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả).

2. Người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả:

a) Thuốc kháng HIV (trừ trường hợp đã được nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả);

b) Xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả;

c) Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;

d) Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc kháng vi rút HIV và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;

đ) Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh;

e) Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả);

g) Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Theo thông tin TS.BS Đỗ Thị Nhàn cung cấp thì thuốc ARV/ người với phác đồ điều trị ARV bậc 1 nhưng nếu người nhiễm HIV tự mua thuốc ARV để điều trị, số tiền này lên đến hơn 1 triệu/tháng/người. Nếu phải điều trị ARV theo phác đồ bậc 2, số tiền này sẽ còn lớn hơn nhiều lần.

Lợi ích là thế nhưng thực tế, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV chưa tham gia bảo hiểm y tế vì sợ lộ thông tin cá nhân. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, khi mua thẻ BHYT, người nhiễm HIV/AIDS không cần bộc lộ tình trạng nhiễm HIV. Tất cả nhân viên y tế, các nhân viên tham gia vào việc khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS đều phải cam kết vấn đề bảo mật, không được tiết lộ thông tin cá nhân và tình trạng bệnh tật của người bệnh cho người khác không vì mục đích chữa bệnh và không được người bệnh cho phép. Do đó, người nhiễm HIV/AIDS không cần lo lắng về việc bị lộ thông tin, sợ sự kỳ thị, phân biệt đối xử của người xung quanh khi mua BHYT.

Trong tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp như hiện nay, người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV qua Quỹ BHYT vẫn được đảm bảo cấp thuốc đúng hạn.

Mời các bạn cùng nghe tư vấn của TS, BS. Đỗ Thị Nhàn - Trưởng phòng Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế về những lợi ích khi người nhiễm HIV tham gia BHYT: