Ước tính mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Hiện có khoảng 350.000 người Việt đang sống chung với ung thư.

Đáng lưu ý, theo PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, bệnh nhân ung thư ngày càng tăng và trẻ hóa. "Vấn đề này không chỉ tạo gánh nặng ở hiện tại mà còn tương lai, đòi hỏi các bác sĩ làm thế nào để chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tốt hơn" - ông Bình nói.

Theo ông Bình, phát hiện ung thư sớm là vấn đề mang tính chiến lược quốc gia để phòng bệnh tốt, khám và sàng lọc bệnh sớm. Nên tầm soát bệnh sớm, đặc biệt những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình mắc ung thư. Các nhà khoa học thế giới ghi nhận hơn 200 loại ung thư. Trong đó, 5 loại ung thư thường gặp và để lại gánh nặng hiện nay là phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng, gan. Vì vậy, theo ông Bình, cần tập trung sàng lọc, phát hiện sớm và phòng 5 bệnh này trước, sau đó đến các loại ung thư khác.

Điều trị ung thư phải kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và miễn dịch. Trong đó, miễn dịch là liệu pháp mới có nhiều triển vọng, nhiều bệnh nhân khỏi ung thư nhờ "vũ khí" này.