Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM đều đang điều trị cho hơn 130 ca mắc tay chân miệng. Số bệnh nhân nhập viện đông đến nỗi Khoa phải bố trí thêm giường xếp, tận dụng khoảng trống ngoài hành lang để bệnh nhân nằm. Trong đó có nhiều ca bệnh nặng, phải điều trị tích cực, thở máy, đặt nội khí quản…

Điều đáng lưu ý, năm nay có nhiều trẻ bị tay chân miệng không có triệu chứng rõ ràng, không sốt cao nhưng vẫn diễn tiến nặng, rối loạn trung tâm hô hấp như ngưng thở, phải đặt nội khí quản nhiều hơn so với những năm trước. Năm 2011, dịch tay chân miệng đã khiến khoảng 150 trẻ tử vong nhưng cũng không nhiều trẻ phải đặt nội khí quản như năm nay.

Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính khiến tay chân miệng năm nay đến sớm và các ca chuyển nặng hơn là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. EV71 là tác nhân gây ra các cơn dịch lớn vào các năm 2011 và năm 2018.

Theo nhận định của ngành y tế TP.HCM, dịch bệnh tay chân miệng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và có thể kéo dài thêm 3 – 4 tháng nữa mới có thể lắng xuống. Đặc biệt, thời gian học sinh quay lại trường sẽ trùng với đỉnh dịch thứ 2 của bệnh tay chân miệng nên cần tăng cường kiểm soát, phòng tránh dịch lây lan.

Phụ huynh và nhà trường chủ động phòng ngừa, vệ sinh, rửa tay cho trẻ đồng thời cách ly khi trẻ đã mắc bệnh. Và khi phát hiện, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng lên, kịp thời điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc.

Phụ huynh cũng không nên quá lo lắng vì không phải bệnh tay chân miệng nào cũng nặng và không phải ca nào cũng sẽ diễn tiến xấu. Nhưng cũng không nên chủ quan cần phòng ngừa và theo dõi dấu hiệu bệnh của con như sốt (nhẹ đến cao), loét miệng, nổi hồng ban mụn nước ở các vị trí thường gặp: lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông.