Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình 1, Bệnh viện Việt Đức, khớp háng là khớp lớn nhất của cơ thể, giữ vai trò hết sức quan trọng, thậm chí là quyết định đến khả năng vận động và di chuyển. Thoái hoá khớp háng là bệnh lý do hậu quả của tuổi tác và mài mòn khớp, chủ yếu gặp ở người từ 60 tuổi trở lên.

Theo thống kê, khoảng 50% các trường hợp bệnh lý thoái hóa khớp háng nói riêng cũng như các bệnh lý thoái hóa khớp nói chung không có nguyên nhân.

50% còn lại là do các nhóm nguyên nhân khác nhau như người bệnh bị chấn thương gãy cổ xương đùi, trật khớp …Thoái hóa khớp háng cũng có thể là hậu quả của tình trạng hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hoặc các bệnh lý như viêm khớp, viêm đa khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ hoặc vẩy nến.

Ở người trẻ, ngoài những trường hợp bị dị dạng khớp háng, thiểu sản khớp háng, trật khớp háng bẩm sinh thì một nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp háng rất đáng cảnh báo là bệnh lý hoại tử chỏm xương đùi do lạm dụng rượu, bia và hút thuốc lá. “Thuốc lá, rượu bia đều là những chất kích thích và tác động tiêu cực đến việc cấp máu nuôi dưỡng cho khớp nói chung cũng như khớp háng nói riêng. Khớp háng được nuôi dưỡng bởi các mạch máu nhỏ li ti, chỉ bằng ¼ sợi tóc. Thuốc lá và rượu bia là một trong những nguyên nhân gây tắc những mạch máu này và dẫn thiếu máu thiếu máu chỏm xương đùi. Khi không còn được cấp máu, chỏm xương đùi sẽ bị hoại tử và hậu quả là thoái hóa khớp háng”. - PGS – TS Nguyễn Mạnh Khánh phân tích.

Khi khớp háng bị thoái hóa, người bệnh thường đi lại khó khăn, cảm thấy đau khi vận động, cơn đau giảm xuống khi nghỉ ngơi. Vị trí đau hay gặp nhất là mặt trước đùi, nếp bẹn, lan xuống dưới mặt trước trong đùi, đôi khi có thể xuống tận khớp gối, ra sau mông hoặc vùng mấu chuyển xương đùi. Cơn đau sẽ ngày càng gia tăng, ngay cả khi không vận động và vào ban đêm, khiến người bệnh bị giảm biên độ vận động khớp háng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày như không thể ngồi xổm, cúi xuống buộc dây giày. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp, tình trạng thoái hóa tiến triển nặng hơn có thể khiến người bệnh bị tàn phế, không đi lại được.

PGS – TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết, qua phim chụp X-quang thông thường, các bác sĩ có thể đánh giá các mức độ thoái hóa khớp háng: Độ 1 thường chỉ thấy những gai xương rất nhỏ. Độ 2 là hình ảnh gai xương rõ hơn. Độ 3 là người bệnh bắt đầu có hiện tượng hẹp khe khớp, là biểu hiện thứ phát của mòn sụn khớp. Độ 4 là nặng nhất tức là khớp đã bị biến dạng, khe khớp rất hẹp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động.

Việc điều trị tùy thuộc vào mức độ thoái hóa khớp háng của từng bệnh nhân. Những trường hợp bị thoái hóa độ 1, độ 2 sẽ được bác sĩ hướng dẫn sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm kết hợp với việc giữ cân nặng cơ thể hợp lý và phục hồi chức năng.

Những trường hợp thoái hoá khớp háng nặng, đau nhiều có thể được chỉ định thay toàn bộ khớp háng. Phẫu thuật thay khớp háng giúp bệnh nhân giảm đau triệt để, nhanh chóng phục hồi vận động và trả lại khả năng sinh hoạt cho bệnh nhân một cách toàn diện nhất.

Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, trình độ bác sĩ ngày được nâng cao và chuyên sâu cùng với đó là vật liệu thay khớp ngày càng phù hợp với bệnh nhân đã đem lại nhiều ưu điểm trong kỹ thuật thay khớp háng như ít đau, phục hồi sớm. Trong số các bệnh nhân được thay khớp háng nhân tạo tại Bệnh viện Việt Đức thời gian qua, có nhiều bệnh nhân trên 90 tuổi, thậm chí có trường hợp 100 tuổi với nhiều bệnh lý phức tạp đã được phẫu thuật thay khớp thành công.

Tuổi thọ trung bình của khớp háng nhân tạo được khoảng 20 năm. Để kéo dài tuổi thọ của khớp nhân tạo cũng như phòng tránh những biến chứng trật khớp và hỏng khớp, ngay sau phẫu thuật, người bệnh có thể bắt đầu chương trình tập luyện phục hồi chức năng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Khi về nhà, cùng với việc tiếp tục tập luyện, người bệnh lưu ý không gấp đùi quá nhiều về phía bụng, không ngồi bắt chéo chân hoặc chụm hai chân lại với nhau, không ngồi xổm, không cố cúi khom người khi đi tất, đi giầy. “Ngoài ra, nếu bị thừa cân, béo phì, người bệnh nên chú ý giảm cân để tránh quá tải cho khớp háng” - PGS – TS Nguyễn Mạnh Khánh đưa ra lời khuyên.