Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng cho biết vẫn còn vô vàn khó khăn ở trước mắt, không thể chủ quan.

Năng lực điều trị của Bình Dương đang gặp áp lực rất lớn. Hệ thống y tế Bình Dương đang bị quá tải. Chúng tôi đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để người dân được khám, chữa bệnh kịp thời. Các phương án đã, đang được triển khai. Như mở rộng hệ thống bệnh viện dã chiến. Tập trung nhân lực cho điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện thuộc tầng 2. Đưa vào sử dụng bệnh viện hồi sức cấp cứu ở tầng 3 – tầng điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch”- PGS Hiếu nói.

Số bệnh nhân công bố khỏi bệnh của Bình Dương trong các ngày gần đây ở tầng 2 – nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ và trung bình, liên tục tăng nhanh. Theo BSCKII Huỳnh Minh Chín - Giám đốc TTYT huyện Bàu Bàng: Chúng tôi đã tăng cường nhân lực của trung tâm vào hệ thống điều trị. Giám sát chặt chẽ người bệnh, không để bệnh nhân diễn biến trở nặng mà thầy thuốc không được biết. Thực hiện đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu và Sở Y tế hướng dẫn.

TTYT huyện Bàu Bàng tỉnh Bình Dương có cơ sở điều trị được coi là đẹp nhất của tỉnh hiện nay. Theo thiết kế, TTYT Bàu Bàng có 100 giường, nhưng với dịch COVID-19, cán bộ y tế đã chủ động sắp xếp thu gọn lại phòng ốc, chấp nhận làm việc ở phòng hẹp để dành giường kê thêm điều trị bệnh nhân.

Hiện nay, TTYT Bàu Bàng đang điều trị cho gần 500 bệnh nhân COVID-19. Không chỉ điều trị cho bệnh nhân của huyện, Bàu Bàng đã “chia lửa” tiếp nhận bệnh nhân từ các huyện bạn sang điều trị.

TTYT huyện Dầu Tiếng, là địa bàn xa nhất của tỉnh Bình Dương có 100 giường hiện đang điều trị 40 bệnh nhân phải thở máy HFNC.

Trong những ngày qua, cùng với TTYT Bàu Bàng, TTYT huyện Dầu Tiếng là 2 cơ sở y tế cho bệnh nhân ra viện nhiều nhất. Và cũng là nơi tiếp nhận bệnh nhân từ huyện khác được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh đưa về.

Điều đáng mừng cả 2 TTYT Bàu Bàng và Dầu Tiếng đều có số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên – tầng 3 là ít nhất, đã giảm áp lực cho hệ thống điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch của tỉnh Bình Dương.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đánh giá, với nỗ lực của các thầy thuốc y tế tuyến huyện – những bệnh viện ở tầng 2 trong tháp điều trị 3 tầng như theo dõi sát bệnh nhân, phát hiện sớm các triệu chứng trở nặng đặc biệt thiếu oxy máu thầm lặng sẽ hạn chế rất nhiều các ca tử vong ở tầng 2, giảm gánh nặng cho tuyến trên. “Thầy thuốc tuyến tỉnh và của Trung ương tăng cường về sẽ có thời gian, sức lực tập trung điều trị bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh lý nền ở tầng 3”- PGS Hiếu chia sẻ.

Trong buổi làm việc mới đây với hệ thống điều trị của tỉnh Bình Dương, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế Bình Dương thực hiện tốt việc tổ chức, quản lý và điều hành hệ thống điều trị trong tỉnh phải liên thông, kết nối chặt chẽ. “Không để bệnh nhân không được tiếp cận y tế. Phải tạo ra hệ thống y tế ở tầng 1 và tầng 2 thật vững chắc. Tiếp cận sớm – phát hiện sớm – điều trị tốt” – PGS. TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu.

Hiện nay, với sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và các nhà mạnh thường quân, Bình Dương không thiếu thuốc điều trị và trang thiết bị y tế. Hệ thống điều trị của tỉnh phải tiếp tục củng cố vững chắc ở tầng 1 và tầng 2. Nỗ lực giảm thiểu các ca tử vong. Mỗi huyện, thị, thành phố phải là 1 pháo đài chống dịch.