Đến nay, nước ta đã trải qua 3 giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 và ghi nhận 2.560 trường hợp mắc, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (chiếm 61,1%). Trong số các trường hợp mắc được ghi nhận, đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%). Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch ở cả 3 giai đoạn nhưng với chiến lược phù hợp và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư, Việt Nam đã kiểm soát thành công các đợt dịch bùng phát, được đánh giá là mô hình phòng chống dịch hiệu quả với chi phí thấp.

Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp với hơn 120 triệu ca nhiễm, nên nguy cơ xâm nhập vào nước ta là rất lớn, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao. Tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn đang diễn ra phổ biến, nguy hiểm hơn là ngày càng xuất hiện những biến chủng mới của virus Sars-cov2 với tốc độ lây lan nhanh hơn, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. “Các cấp các ngành ở địa phương cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là chủ quan mà vẫn cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế và Chính phủ”- Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.

Thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vắc-xin. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Tính đến ngày 16/3, cả nước đã có hơn 16.000 người ở tuyến đầu chống dịch được tiêm vắc xin AstraZeneca. Trong số đó có 6 người bị sốc phản vệ nhưng nguyên nhân là do sai lầm trong quy trình tiêm, không phải do chất lượng vắc xin. Hiện nay, sức khỏe của những người này đều đã ổn định. Vì vậy, người dân toàn toàn có thể yên tâm.

Thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố. Hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục đàm phán để mua vắc-xin nhập khẩu từ các nguồn khác nhau trên thế giới. Dự kiến đến tháng 5 sẽ có khoảng 4,1 triệu liều vắc xin AstraZenecca tiếp tục về Việt Nam. Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang làm việc để mua vắc-xin của Johnson &Johnson, Moderna, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V)...

“Ngoài nguồn vắc-xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Vắc-xin Nanocovax do Công ty NANOGEN phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/02/2021. Vắc xin Covivac do IVAC phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15/3/2021. Nếu thành công, đến đầu năm sau, những vắc xin này sẽ được sử dụng rộng rãi trong dân” – Ông Nguyễn Thanh Long cho biết.