Những ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội và một số thành phố lớn luôn ở mức báo động đỏ, rất ngột ngạt và khó chịu. Theo các chuyên gia y tế, không khí ô nhiễm, bụi mịn có thể làm khởi phát các bệnh lý cấp tính đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, hen suyễn hoặc các bệnh về da như viêm da, dị ứng và lâu dài có thể dẫn đến bệnh ung thư, tim mạch…

Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng ô nhiễm không khí đến sức khỏe, PGS-TS Ngô Văn Toàn, Trưởng bộ môn Sức khỏe Môi trường, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, khuyến cáo, đối với cá nhân, đặc biệt là những người rất nhạy cảm với bụi mịn như người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính và phụ nữ mang thai nên hạn chế ra khỏi nhà, giảm các hoạt động thể lực ngoài môi trường. Khi tham gia giao thông hoặc làm việc ngoài môi trường, mọi người nên sử dụng khẩu trang để hạn chế bụi mịn xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời, mọi người nên chủ động theo dõi các thông tin về nồng độ bụi mịn trong không khí qua các phương tiện thông tin đại chúng để có các biện pháp phòng ngừa một cách chủ động và kịp thời.

PGS-TS Trần Quỳnh Anh – Phó trưởng bộ môn Sức khỏe môi trường, Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng – Đại học Y Hà Nội cũng nhấn mạnh, việc nhiều người vẫn duy trì thói quen tập thể dục, chạy bộ ngoài trời vào buổi sáng và buổi tối trong những ngày này là không phù hợp. Bởi đây là những thời điểm nồng độ bụi mịn trong không khí ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, trong những ngày không khí ô nhiễm nặng, mọi người nên lưu ý đóng – mở cửa sổ một cách linh hoạt, vừa đảm bảo thông gió, vừa tránh bụi mịn xâm nhiễm vào nhà.

“Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho thấy, nồng độ bụi mịn trong không khí thường ở mức cao vào buổi sáng và buổi tối và ở mức thấp vào buổi trưa. Vì vậy, buổi sáng và tối nên đóng kín cửa nhằm giảm bụi xâm nhiễm vào nhà và mở cửa vào buổi trưa để cho không khí được lưu thông và các chất ô nhiễm không khí trong nhà sẽ bay ra bớt ra bên ngoài, giúp nhà cửa thoáng đãng hơn.” – PGS-TS Trần Quỳnh Anh nói.

Cùng với đó, để giữ cho không khí trong nhà không bị ô nhiễm thêm, PGS-TS Trần Quỳnh Anh lưu ý mọi người nên thực hiện một số điều như sau:

- Tuyệt đối không nên hút thuốc trong nhà, hạn chế thắp hương, không nên đun bếp than, bếp củi trong nhà. Khi thắp hương nên mở rộng cửa để thoáng khí. Nếu gia đình đun bếp than, bếp củi nên bố trí bếp ở cuối hướng gió để tránh khói bụi lan vào nhà.

- Nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, các loại rèm, thảm, chăn ga… để loại bỏ bụi bặm, vi sinh vật và nấm mốc, nhất là các gia đình có nuôi chó mèo.

- Ngoài ra, có thể trồng thêm một số loại cây trong nhà và xung quanh nhà để không khí trong lành hơn. Đồng thời, nếu có điều kiện, các gia đình có thể sử dụng máy lọc không khí, cũng sẽ phần nào giúp không khí trong nhà đỡ ô nhiễm hơn.