Kỹ thuật IVM cũ

Các nghiên cứu cơ bản về thụ tinh ống nghiệm trên người thực tế đã được thực hiện từ hơn 10 năm trước với trứng lấy từ buồng trứng mà không kích thích bằng hormone. Trứng được chọc hút từ các nang trên buồng trứng, sau đó được nuôi trưởng thành trong phòng thí nghiệm và cho thụ tinh, gọi là “in-vitro maturation”, viết tắt là IVM.

Xu hướng trên đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm và phát triển từ đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua, kỹ thuật IVM dù có nhiều ưu điểm vẫn khó phát triển. Đó là do quy trình xử lý và nuôi cấy trứng sau khi chọc hút chưa cho hiệu quả cao, dẫn đến số phôi có được không nhiều và chất lượng phôi chưa tốt.

Phác đồ mới CAPA-IVM

Kể từ năm 2016, kỹ thuật IVM ngày càng được hoàn thiện, giúp cải thiện chất lượng trứng và phôi. Phác đồ mới được gọi là CAPA - IVM.

Sau khi ý tưởng cải tiến của CAPA - IVM được báo cáo thành công lần đầu tiên tại Đại học VUB của Bỉ, nhóm chuyên gia về IVM ở Bệnh viện Mỹ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với nhóm nghiên cứu của VUB để triển khai phác đồ CAPA - IVM cải tiến tại Việt Nam.

"Hiện nay, CAPA - IVM đã được áp dụng tại hơn 10 nước trên thế giới. Trong đó, các phác đồ áp dụng CAPA - IVM ở Việt Nam cho kết quả tốt nhất. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã đến Việt Nam tìm hiểu phác đồ áp dụng CAPA - IVM hiệu quả của Việt Nam" - Ths.BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Mỹ Đức, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM cho biết

Sở dĩ thu được thành công cao là do cách chuẩn bị bệnh nhân, cách chọc hút trứng của chúng ta cho tỉ lệ cao hơn nhiều nước trên thế giới. Quy trình xử lý trứng cũng được rút ngắn để trứng đạt chất lượng tốt nhất. Không chỉ vậy, tay nghề của người Việt Nam cũng khéo léo, tỉ mỉ hơn. Quy trình chọc hút, xử lý trứng, tạo phôi gồm khoảng 20 bước, đều được chúng tôi đúc rút từ kinh nghiệm suốt nhiều năm trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm.

"Đến nay, chúng tôi đã thực hiện thành công hơn 400 ca thụ tinh ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng. Kết quả cho thấy tỉ lệ thành công của kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng tương đương với kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm có kích thích buồng trứng" - BS Hồ Mạnh Tường thông tin

Loại trừ nguy cơ quá kích buồng trứng, giảm chi phí, thời gian điều trị là ưu điểm của CAPA -IVM

"Hội chứng quá kích buồng trứng, thường gặp ở khoảng 5 - 10% phụ nữ. Trong số đó, khoảng 1 - 2% ở mức độ nặng, có thể gây ra các biến chứng rất nghiêm trọng, một số ít trường hợp còn có thể tử vong" - Ths. BS Hồ Mạnh Tường cho biết về các nguy cơ khi tiêm thuốc kích thích buồng trứng.

Ngoài ra, việc 2 buồng trứng to, đau, nguy cơ xoắn… khi kích thích buồng trứng cũng là những tác dụng phụ cần theo dõi.

Tiếp đến, việc kích thích buồng trứng khiến quy trình thụ tinh ống nghiệm trở nên phức tạp: gây mất thời gian và cần tiêm nhiều hormone trong thời gian dài. Phụ nữ làm thụ tinh ống nghiệm có khi phải tiêm khoảng 20 mũi thuốc từ 2-4 tuần. Chưa kể, chị em còn phải siêu âm, thử máu nhiều lần khi theo dõi kích thích buồng trứng.

Bên cạnh đó, các hormone sử dụng thường đắt nhưng phải tiêm nhiều lần trong thời gian dài góp phần làm tăng đáng kể chi phí thực hiện thụ tinh ống nghiệm, chiếm 50% chi phí của cả quá trình điều trị - BS Tường thống kê

CAPA -IVM phù hợp với những trường hợp buồng trứng đa nang hoặc nhiều nang hơn bình thường. Các trường hợp có chỉ định thụ tinh ống nghiệp nhưng không đáp ứng với thuốc kích thích buồng trứng hoặc không thể sử dụng thuốc hormone kích thích buồng trứng cũng có thể tiến hành CAPA - IVM

Phác đồ áp dụng CAPA - IVM ở Việt Nam cho kết quả tốt nhất

Hiện nay, CAPA - IVM đã được áp dụng tại hơn 10 nước trên thế giới. Trong đó, các phác đồ áp dụng CAPA - IVM ở Việt Nam cho kết quả tốt nhất. Hàng loạt công bố khoa học quan trọng về hiệu quả của CAPA-IVM ở Việt Nam do các chuyên gia IVFMD thực hiện đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín như tạp chí Journal of Ovarian Research, tạp chí Human Reproduction, đồng thời, được báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế.