Theo báo cáo tiến độ về phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 ở Việt Nam các tổ chức xã hội có thể đóng góp 25-50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên hầu hết các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS đều do nguồn kinh phí của các tổ chức quốc tế tài trợ. Trong bối cảnh các tổ chức quốc tế cắt giảm hỗ trợ tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta và tiến tới chấm dứt hỗ trợ hoàn toàn trong tương lai, để tiếp tục duy trì hiệu quả các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam đã học tập kinh nghiệm của một số quốc gia thành công đi trước đó là huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng chống dịch thông qua ký kết hợp đồng bằng nguồn ngân sách trong nước.

Tuy nhiên việc sử dụng ngân sách nhà nước để hợp đồng với các tổ chức xã hội tham gia phòng chống HIV/AIDS hiện nay đang gặp một số rào cản về mặt pháp lý như chia sẻ của Ths.BS Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng - Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV - Cục Phòng chống HIV/AIDS-Bộ Y tế.

“Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 1387QĐ-TTg/ 2016 phê duyệt các danh mục y tế -dân số nhưng các hầu hết danh mục về phòng chống HIV/AIDS không nằm trong các danh mục này vì thế không thể sử dụng nguồn ngân sách để ký hợp đồng. Văn bản thứ hai đó là nghị định 32-2019/NĐ-CP quy định hướng dẫn về giao, đặt hàng thì chỉ thực hiện đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức xã hội không phải các đơn vị sự nghiệp công lập nên không áp dụng được nghị định này. Rào cản cuối cùng đó là đến bây giờ cũng chưa có cơ quan nào ban hành định mức kỹ thuật cũng như khung giá dịch vụ cho nên chưa có cơ sở cho việc ký hợp đồng với các tổ chức xã hội để họ cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cho chúng ta bằng nguồn ngân sách Nhà nước”, BS Đỗ Hữu Thủy phân tích.

Nhận thức được vấn đề này, Cục PC HIV/AIDS đã phối hợp với PEPFAR, USAID, USCDC, và UNAIDS xây dựng và trình Bộ Y tế “Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội” hay còn được gọi là HĐXH. Ngày 29/11/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án này, thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024.

Trên thực tế, cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu (hợp đồng xã hội) cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội được coi là một trong những lựa chọn phù hợp, củng cố sự hợp tác giữa chính phủ và các tổ chức xã hội hướng tới mục tiêu huy động sự tham gia có ý nghĩa của các nhóm cộng đồng nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Quá trình triển khai cho thấy, yếu tố pháp lý đã tác động đáng kể đến các hoạt động này.

“Bên cạnh những hướng dẫn về phòng chống HIV/AIDS thì những quy định mới như là Luật Doanh nghiệp và Nghị định 80/2020/NĐ-CP thì đã có những quy định về thành lập doanh nghiệp xã hội mà qua đó thì họ hoàn toàn có đủ năng lực để có thể tham gia đấu thầu đối với các nguồn ngân sách Nhà nước và sử dụng nguồn đó để triển khai các hoạt động PC HIV/AIDS tạo ra một sự bền vững được cụ thể hơn và hiệu quả hơn trong tương lai”- PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS- Bộ Y tế cho biết.

Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế, tỷ lệ các tổ chức xã hội, nhóm cộng đồng có đăng ký tư cách pháp nhân là rất thấp. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng chỉ cho phép các nhà cung cấp không phải là đơn vị sự nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công nếu dịch vụ đó có tính đặc thù, liên quan đến sở hữu trí tuệ hoặc chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện.

“Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, các tổ chức nhỏ lẻ, không có tư cách pháp nhân và như vậy thì năng lực và chuyên môn, kỹ năng của nhóm cộng đồng trong việc tham gia triển khai các hoạt động trong can thiệp phòng chống HIV/AIDS cũng có những hạn chế”- BS Đoàn Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên chia sẻ về những rào cản pháp lý trong quá trình thực hiện tại địa phương.

Ngoài ra, việc thực hiện ký hợp đồng với nhóm cộng đồng, doanh nghiệp xã hội còn gặp các vướng mắc khác liên quan đến khoảng trống pháp lý, như chưa có văn bản xác định cụ thể dịch vụ nào trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS là dịch vụ sự nghiệp công.

Cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay phân bổ một khoảng ngân sách nhất định, theo đó người đứng đầu ngành, địa phương được quyền chủ động chi tiêu theo tình hình thực tế của ngành, của địa phương. Tuy nhiên, cơ chế này khiến các đơn vị triển khai ở địa phương rất bị động, do nguồn tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhiều hay ít đều phụ thuộc vào cách phân bổ của lãnh đạo địa phương.

“Những quy chế về chế độ chính sách hay là những quy định của mỗi tỉnh thành phố để làm sao có được sự linh hoạt trong việc sử dụng nguồn ngân sách của địa phương mình vì các tỉnh thành phố không chỉ phê duyệt tổng ngân sách của địa phương mình hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS là xong mà đòi hỏi mỗi tỉnh thành phố phải có định mức chi cụ thể để sử dụng nguồn ngân sách này một cách hiệu quả đối với những ưu tiên rất đặc thù của mỗi tỉnh thành phố”- PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS khuyến nghị.

Chương trình thí điểm mô hình Hợp đồng xã hội đã cho thấy tầm nhìn và những bước tiến quan trọng để từng bước tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong đó có các nhóm cộng đồng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và hướng đến kiểm soát dịch vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả và lấp đầy những khoảng trống pháp lý trong triển khai hợp đồng xã hội phòng chống HIV/AIDS, cần sự chung tay của các Bộ, ban ngành, các tổ chức quốc tế để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những chính sách pháp luật cần thiết hỗ trợ các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức dựa vào cộng đồng trong quá trình hoạt động.

Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS đang thực hiện tại 9 tỉnh, thành phố là: Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Dương, Hải Phòng và Điện Biên. Cục PC HIV/AIDS- Bộ Y tế cùng các đối tác quốc tế và các chuyên gia xây dựng hướng dẫn triển khai tại các địa phương bao gồm các gói dịch phòng chống HIV/AIDS, định mức kỹ thuật, khung giá dịch vụ để địa phương lập dự toán kinh phí, thống nhất cách chi trả phù hợp và ký hợp đồng với các tổ chức xã hội. Do chưa thể sử dụng ngân sách NN để thực hiện hợp đồng, Cục PC HIV/AIDS đã vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ thí điểm theo định hướng ngân sách NN.

Các tỉnh có thể lựa chọn một hoặc một số trong 4 gói dịch vụ được đề xuất: Gói 1 là cấp phát vật phẩm giảm hại. Gói 2 là tiếp cận, xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng và chuyển gửi các ca nghi ngờ nhiễm HIV tới cơ sở y tế làm xét nghiệm khẳng định. Gói 3 chuyển gửi ca HIV dương tính vào điều trị ARV, Gói 4 chuyển gửi ca âm tính vào điều trị PrEP, riêng gói 3 và 4 cũng bao gồm hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV và Prep ít nhất 3 tháng.

(Nội dung do VOV2, Cục Phòng chống HIV/AIDS và Dự án Phát triển Hệ thống Y tế Bền vững (USAID LHSS) phối hợp thực hiện).

Mời nghe bài viết tại đây: