Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận trên 3000 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Tình trạng ngập úng và mưa trong thời gian qua càng khiến cho nguy cơ gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, do người dân còn khá chủ quan chưa loại bỏ triệt để môi trường sinh sản của muỗi.

Tại xã Hồng Kỳ, một trong những địa bàn bị ngập sâu nhất của huyện Sóc Sơn, đoàn kiểm tra y tế của xã nhận thấy, một số chậu cây cảnh của các hộ dân vẫn còn bị đọng nước và xuất hiện loăng quăng, bọ gậy. Người dân ở đây cho biết, sau khi nước rút, cũng đã nhanh chóng dọn dẹp, ổn định lại cuộc sống, song vẫn còn chưa để ý đến những vật dụng nhỏ đọng nước trong nhà.

Cán bộ y tế đã giải thích và "cầm tay chỉ việc" cho người dân ngay tại chỗ. Bác sỹ Lường Thành Nhơn, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS – Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn - cho biết: bà con có thể đổ hết nước đọng, sau đó đổ thêm đất cho đầy các chậu cây cảnh. Cùng với đó là quét dọn nhà cửa sạch sẽ, khô ráo.

Một chi tiết nhỏ nhưng dễ bị bỏ qua, đó là những phế liệu như là vỏ bánh kẹo, chai lọ vỡ, mảnh sành để ngoài trời đọng nước mưa cũng có thể sinh ra loăng quăng, bọ gậy. Vì vậy, cần thiết phải loại bỏ.

“Không có muỗi, không có sốt xuất huyết”, vì vậy, ngoài việc lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, ngăn không cho nước mưa vào, người dân cũng cần cọ rửa và đậy kín các dụng cụ chứa nước, cọ rửa bình hoa, chậu cây, thay nước cho hoa, vệ sinh cống và các đường rãnh nước.

Ngay sau khi được hướng dẫn trực tiếp ngay tại nơi sinh sống, bà con ở đây cũng đã hiểu và thực hành đúng.

Huyện Sóc Sơn ghi nhận 14 ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay. Và trong điều kiện mưa nhiều, có những nơi bị ngập úng như xã Hồng Kỳ thì việc hướng dẫn bà con cách vệ sinh môi trường, loại bỏ đường sinh sản của mỗi gây bệnh sốt xuất huyết là hết sức cần thiết.

Xin mời nghe bài viết tại đây: