Cho ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chiều 07/01, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân ( đoàn TP. Hồ Chí Minh) đồng tình với quy mô các gói hỗ trợ được Chính phủ đề xuất vì nó tương thích với kinh nghiệm quốc tế và nhu cầu cuộc sống hiện nay.

Tuy nhiên, khi triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần khẩn cấp hỗ trợ nâng cao trang thiết bị cơ sở vật chất ngành y tế và củng cố lực lượng của ngành y tế đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Vừa qua ngành y tế lao động làm việc hết sức mình, xảy ra tình trạng quá tải rất cao và không thể để tình trạng này kéo dài như vậy.

Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, trong 16 tháng từ tháng 1/2020 - 4/2021, bình quân cả nước một tháng chỉ có 188 người nhiễm mới và 2,3 người chết. Thế nhưng trong hơn 8 tháng qua (từ tháng 5 năm 2021 đến nay) bình quân mỗi tháng có 223.000 người nhiễm mới và hơn 4.000 người tử vong, tức là số người nhiễm mới hàng tháng vừa qua so với giai đoạn trước gấp 1.180 lần và số người tử vong gấp 1.780 lần.

“Câu hỏi đặt ra là năng lực ngành Y tế 8 tháng vừa qua tăng lên được bao nhiêu lần? Theo tôi không tăng được 10 lần và cũng chưa biết là tăng được mức nào. Nhưng rõ ràng với quá tải gấp hàng nghìn lần so với trước không thể kéo dài”, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị 6 giải pháp với ngành Y tế trong đó trước hết cần bổ sung vào tên của “Đề án” là “Chương trình nâng cao năng lực phòng, chống dịch bền vững và phục hồi phát triển kinh tế” thay vì “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Thứ hai, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần giải quyết mới căn bản các nhiệm vụ mua sắm trang thiết bị đặc thù cho ngành Y tế hiện nay. Bởi trong 2 năm vừa qua, rất ít bệnh viện chủ động đấu thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống Covid-19.

“Bộ Y tế nên tổ chức tiếp nhận yêu cầu đấu thầu tập trung những trang thiết bị đặc thù của ngành Y tế cho phòng, chống dịch. Cần triển khai nhanh Đề án tổ chức lực lượng y tế cơ sở, các đơn vị điều trị vùng và đổi mới chính sách, chế độ với cán bộ ngành Y tế, giữ vững và tiếp tục thu hút nhân tài”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đề xuất thứ tư được ông Nhân nói tới là cần đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Bởi vì năm nay, các nước sẽ tiêm mũi 3, mũi 4. Chúng ta tiêm bổ sung 2 mũi vaccine này cũng cần khoảng trên 175 triệu liều. Do vậy cần phấn đấu có một tỷ lệ nhất định là vaccine do Việt Nam sản xuất (Có thể là 30%, 40% hay 50%).

Về điều trị bệnh nhân Covid-19, ông Nhân kiến nghị cần quan tâm kiểm tra, điều trị thí điểm và đánh giá những cây thuốc dựa trên truyền thống dân tộc xung quanh xuyên tâm liên, thanh cao hoa vàng, đây là thuốc có khả năng triển vọng tốt và rẻ ngay tại chỗ.

Cuối cùng, đối với ngành Y tế, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh cần hình dung ở trạng thái "bình thường mới" thì khả năng quá tải của ngành Y tế là như thế nào?

“Chúng tôi hình dung trong năm 2022 số ca nhiễm phát sinh mới, số ca nặng bằng 1/3 so hiện nay. Điều đó có nghĩa bình quân sắp tới thay vì có có 223.000 người nhiễm/tháng thì chỉ còn 74 nghìn ca nhiễm/tháng; số người tử vong thay vì là 4000 người/tháng chỉ còn 45 người tử vong/ ngày. Do vậy cần sẵn sàng lực lượng để chung sống lâu dài với dịch", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.