Qua bạn bè giới thiệu, chị T., 30 tuổi đến một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội nâng ngực bằng sóng xung kích. Theo quảng cáo, công nghệ này giúp tăng các mô cơ ở ngực, tăng size ngực ngay sau 1 lần.

“Các nhân viên tư vấn, đây là phương pháp độc quyền, không xâm lấn, không phẫu thuật, chỉ sau 60 phút sẽ cải thiện bộ ngực, chi phí 80 triệu đồng” - chị T. kể lại.

Các nhân viên của cơ sở thẩm mỹ giải thích với chị T. rằng, sóng xung kích từ trường sẽ kích thích các mô mỡ ngực phát triển, sau một lần có thể thay đổi kích thước ngực đến 60-70%; sau 15-18 ngày đạt 80-90%. Facebook của cơ sở thẩm mỹ này cũng quảng bá 1 chi nhánh ở Hàn Quốc và 3 chi nhánh khác ở Việt Nam.

Trước khi thực hiện công nghệ, người phụ nữ này được tư vấn, do sử dụng máy tác động vào cơ ngực, hơi đau nên cơ sở sẽ tiêm gây tê. Tuy nhiên, sau gây tê 5-7 phút bên ngực trái, chị T. cảm thấy bất thường:

“Tôi kéo khăn che mắt và thấy bác sĩ đang tiêm một chất lạ vào ngực mình. Tại thời điểm đó, bác sĩ mới chỉ tiêm gây tê bên ngực trái nhưng tôi thấy ngực trái đã nhô lên, có sự thay đổi về vòng size ngực rồi”.

Lo sợ trước phương pháp làm đẹp không như lời quảng cáo ban đầu chị T. yêu cầu cơ sở dừng thủ thuật và giải thích đưa chất gì vào ngực mình. “Bác sĩ giải thích thuốc gây tê pha lẫn nước muối sinh lý nhưng bóp trong ngực thấy có nhiều chất lỏng màu hồng, sệt sệt dạng gel”.

Sau sự việc, nạn nhân đã gọi điện đến cơ quan công an trình báo và nhanh chóng đến Bệnh viện E kiểm tra tình trạng sức khỏe.

Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân T. vào viện trong tình trạng hoảng loạn, đau, tức vùng ngực. Khám tại chỗ, vùng ngực 2 bên có vết tiêm với size kim lớn. Vùng ngực tại chỗ tấy đỏ, khi sờ vào thấy cục, khối lổn nhổn trong mô vú, bệnh nhân có cảm giác đau.

Khi siêu âm, bác sĩ thấy có các khối tụ dịch, lẫn khí, nằm rải rác lan tỏa trong mô vú, có những khối nằm rất sâu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến dạng ngực do tiêm chất lỏng, “nghi là chất làm đầy, tuy nhiên không rõ bệnh nhân đã được tiêm những chất gì, nguy cơ hỏng ngực nếu không điều trị kịp thời” – BS Minh thông tin.

Bệnh nhân T. sau đó được hút dịch lỏng, kết hợp dùng kháng sinh, giảm viêm, nhưng tiên lượng các khối chất lỏng không thể lấy hết, phải theo dõi và điều trị lâu dài.

Theo BS Nguyễn Đình Minh, hiện chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định hiệu quả của phương pháp nâng ngực bằng sóng xung kích. Sóng xung kích là những sóng kích thích các dây dẫn thần kinh, thường dùng trong bệnh lý tim mạch có tắc nghẽn thần kinh. Thực tế, việc sử dụng công nghệ kích thích tế bào phát triển phải có thời gian và tùy vào cơ địa mỗi người. Một số phương pháp nâng ngực như sử dụng tế bào gốc, sóng cao tần, laser... song hiệu quả đều chậm, hầu như không đáng kể.

“Thực tế, không có biện pháp nào là không can thiệp phẫu thuật, hoặc ghép chất làm đầy hay ghép mỡ, lại có thể tăng lượng lớn thể tích ngay trong lần đầu tiên thực hiện. Điều này không thể xảy ra” – bác sĩ Minh khẳng định.

Một số biện pháp nhẹ nhàng hơn như cấy mỡ tự thân được cho là an toàn, hiệu quả hơn. Phương pháp sử dụng chất làm đầy cũng được áp dụng, tuy nhiên đó phải là làm chất làm đầy đã được phê duyệt thông qua Bộ Y tế, nhập khẩu chính hãng.

Vùng ngực là nơi nhạy cảm, khi tiêm chất làm đầy (silicon) số lượng lớn có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng và ảnh hưởng tuyến sữa. Ngoài ra, đây là một trong những kỹ thuật khó, nếu thực hiện sai có thể gây biến chứng nặng như hoại tử da, biến dạng ngực, xuất hiện ngay hoặc 1-3 tháng sau phẫu thuật.

“Hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ đưa ra những hình ảnh rất hấp dẫn, quảng cáo với những lời có cánh, chị em muốn nâng ngực phải tìm hiểu thật kỹ, có thể tham khảo chuyên môn tại cơ sở y tế, khoa phẫu thuật thẩm mỹ ở các bệnh viện. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp tất cả những thắc mắc liên quan đến lĩnh vực làm đẹp để người dân có đầy đủ thông tin về lĩnh vực này” - Ths.Bs Nguyễn Đình Minh nhấn mạnh.

Mời nghe những chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E tại đây: