Bệnh nhân ung thư bị rối loạn về sức khỏe tâm thần gia tăng

Thống kê mới đây cho thấy, mỗi năm nước ta có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 người tử vong do ung thư. Tính bình quân cứ 100.000 bệnh nhân ung thư thì có khoảng 159 ca mắc mới và 106 ca tử vong. Các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian.

Số người mắc ung thư gia tăng, điều đó cũng đồng nghĩa gánh nặng bệnh tật tăng trong khi hy vọng sống lại mong manh. Theo thống kê mới nhất, gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990.

Đó là lý do khiến nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc ung thư sẽ cảm thấy lo lắng, căng thẳng, hoang mang sụp đổ và thậm chí là có nhiều rối loạn về sức khỏe tâm thần. Theo thống kê cứ 3 bệnh nhân ung thư thì có 1 bệnh nhân bị rối loạn tâm lý cần có sự hỗ trợ, can thiệp.

Nghiên cứu tại Bệnh viện K năm 2020 trên 300 bệnh nhân ung thư từ tất cả các khoa: thuốc, điều trị hóa chất, xạ trị, phẫu thuật, chăm sóc giảm nhẹ cho thấy, có tới 70% người bệnh ung thư có các dấu hiệu căng thẳng về tâm lý cần được hỗ trợ, tư vấn và điều trị; gần 40% người bệnh bị trầm cảm, trong đó có gần 50% người bệnh trầm cảm ở mức độ nặng và rất nặng có thể có nguy cơ tự sát; 30% bệnh nhân có rối loạn của lo âu, cần can thiệp và hỗ trợ sớm. Tỷ lệ này có thể cao hơn sau 2 năm xảy ra dịch Covid-19 ở nước ta.

Theo Ths.BS Đỗ Tuyết Mai – Khoa Điều trị A, Bệnh viện K, khi người bệnh có những vấn đề căng thẳng tâm lý thì quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư trở nên khó khăn hơn vì những lý do sau:

- Thứ nhất, bệnh nhân sẽ lo lắng, hồi hộp, căng thẳng, mệt mỏi, kiệt sức, tuyệt vọng, mất động lực, mất ý chí với các triệu chứng nôn nao, nhất là thời điểm sau khi điều trị hóa chất, bệnh nhân bị tác dụng phụ: nôn nhiều, mất ngủ, sụt cân, suy nhược. Có nhiều bệnh nhân kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.

- Thứ hai, bệnh nhân khó đưa ra quyết định những vấn đề của bản thân. Họ sẽ cảm thấy do dự, bối rối, băn khoăn trong quá trình trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị bệnh, từ đó đưa ra quyết định phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mình.

- Thứ ba, những ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe tâm thần khiến cho hiệu quả điều trị ung thư giảm. Bệnh nhân có thể từ bỏ điều trị, không tuân thủ uống thuốc, đúng phác đồ, không đến tái khám đúng hẹn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có những hành vi không có lợi, ví dụ như hút thuốc, uống rượu để giải tỏa căng thẳng. Tất cả những hành vi tiêu cực này đều cản trở sự thành công của điều trị ung thư.

Việc điều trị tâm lý cho bệnh nhân ung thư ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức

Tất cả những yếu tố trên cho thấy việc điều trị tâm lý cho bệnh nhân ung thư có ý nghĩa quan trọng không kém so với liệu trình uống thuốc, hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, đây lại đang là khoảng trống khiến cho quá trình điều trị của bệnh nhân chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ths.BS Đỗ Tuyết Mai cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do người nhà chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng bị căng thẳng; nhân viên y tế chưa có nhận thức đầy đủ, chỉ lo điều trị sức khỏe thể chất mà bỏ quên vấn đề về tinh thần; cộng đồng xã hội cũng chưa có đủ sự cảm thông và chia sẻ với những khó khăn của bệnh nhân ung thư, nhiều người đã bị mất việc làm khi phải đi điều trị bệnh...

Thống kê cho thấy cứ 4 người nhà chăm sóc 1 bệnh nhân ung thư thì có 1 người bị căng thẳng về tâm lý cũng cần được điều trị. Tỷ lệ này cao không kém so với người bệnh. Thứ hai là vấn đề văn hóa và xã hội, hiện chưa có nhiều nguồn lực và điều kiện để hỗ trợ về tâm lý cho người bệnh ung thư, người bệnh gặp khó khăn khi duy trì việc làm hoặc tái hòa nhập cộng đồng. Thứ ba là hệ thống y tế của nước ta còn thiếu điều kiện chăm sóc tinh thần cho người bệnh.

Rõ ràng là công tác truyền thông cần đẩy mạnh hơn nữa để mọi người nâng cao nhận thức, hiểu được tầm quan trọng và quan tâm đến chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân ung thư một cách đúng mức. Các bác sĩ, điều dưỡng và cả nhân viên làm công tác xã hội trong bệnh viện có kiến thức và kỹ năng để sàng lọc, can thiệp và cung cấp dịch vụ, tư vấn tâm lý kịp thời” – Ths.BS Đỗ Tuyết Mai nhận định.

Ung thư không phải là dấu chấm hết mà là quá trình chiến đấu để giành lấy sự sống. Quá trình này, chiến thắng hay không ngoài việc phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của người bệnh còn là sự quan tâm, chia sẻ của các y bác sĩ, nhân viên y tế và cộng đồng xã hội.

Bệnh viện K đi tiên phong xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân ung thư

Bệnh viện K là một trong số ít bệnh viện tại Việt Nam điều trị ung thư mà cung cấp được cả dịch vụ chăm sóc tư vấn tâm lý và điều trị mà bệnh nhân không phải đi quá xa để đến các cơ sở chuyên khoa khác. Hiện, Bệnh viện K đã xây dựng được mô hình chăm sóc và can thiệp cho bệnh nhi bị ung thư và gia đình tại khoa Nhi.

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước, Bệnh viện K đã xây dựng mô hình đào tạo, tập huấn cho các nhân viên y tế ở Bệnh viện và chỉ đạo tuyến y tế cơ sở về kỹ năng chăm sóc bệnh nhân ung thư.

Bệnh viện đã giúp kết nối những bệnh nhân ung thư với nhau, đặc biệt là mạng lưới ung thư vú ở miền bắc. Qua mạng lưới này, những người bệnh ung thư được chia sẻ, nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng tự chăm sóc và chiến đấu với bệnh tật. Việc làm này có ý nghĩa lan tỏa ra cộng đồng để mọi người biết nhiều hơn việc điều trị cho bệnh nhân ung thư không chỉ là chăm sóc về mặt thể chất, một cuộc phẫu thuật, phác đồ điều trị mà còn là sức khỏe tinh thần.

Chăm sóc tâm lý cho người bệnh ung thư không phải là vấn đề mới. Từ những năm 1980, trên thế giới đã có hiệp hội và hoạt động về lĩnh vực này. Đến bây giờ, Việt Nam mới quan tâm nhiều hơn, tuy nhiên để triển khai thì chúng ta sẽ cần thích ứng, tìm ra mô hình, hoạt động cách phù hợp với văn hóa, bối cảnh xã hội của người Việt Nam” – Ths.BS Đỗ Tuyết Mai đề xuất.