Nên lưu trước số điện thoại của bác sĩ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà

Gia đình chị M. ở Hà Nội có hai con bị nhiễm SARS-CoV-2. Cậu con trai lớn đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 nên hầu như không có triệu chứng và vẫn có thể học online tại nhà. Tuy nhiên, bé gái thứ hai của chị chưa tiêm vaccine bị sốt rất cao, mệt mỏi. Kiểm tra bằng máy đo SpO2, chị nhận thấy dù nồng độ bão hòa oxy trong máu vẫn ở mức bình thường nhưng nhịp tim của con tăng lên đến khoảng 110 – 115 nhịp/ phút, khiến chị M. rất lo lắng. Trong mấy ngày đầu, cứ cách 1 tiếng chị lại đo/1 lần. Chị dự định sau khi con khỏi Covid-19 sẽ đưa con đi kiểm tra xem liệu Covid-19 có để lại di chứng về tim mạch cho bé hay không?

Gia đình chị M. là một trong số rất nhiều gia đình có con mắc Covid-19 sau khi trẻ trở lại trường học trực tiếp.

Thạc sĩ – bác sĩ Đỗ Thiện Hải –Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi trẻ nhiễm Covid-19, nhiều bậc cha mẹ khá bối rối. Tuy nhiên, bác sĩ Hải khuyến cáo các bậc cha mẹ hãy bình tĩnh, coi như nhiễm một virus đường hô hấp đã từng gặp. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm xác định, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là liên lạc với nhân viên y tế cơ sở hoặc các bác sĩ quen biết để được tư vấn, có hướng xử trí phù hợp.

Bây giờ cho con đi học chúng ta hãy tìm hiểu về bệnh trên các trang thông tin uy tín. Và chúng ta hãy chuẩn bị phương án nếu con dương tính thì sẽ gọi điện cho ai để được hướng dẫn. Khi đó chúng ta sẽ có cách xử trí phù hợp, tránh bị động, lúng túng, tránh cho trẻ phải uống thuốc không đúng hoặc dùng quá nhiều loại thuốc” – BS Đỗ Thiện Hải nói.

Phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng – đừng chỉ phụ thuộc vào máy đo SPO2

BS Đỗ Thiện Hải cũng cho biết, đa số trẻ mắc Covid-19 có diễn biến nhẹ hơn so với người lớn và có thể chăm sóc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp trẻ có nguy cơ biến chứng nặng như các bé có bệnh nền, bệnh mạn tính, trẻ thừa cân béo phì... Diễn biến nặng của bệnh thường xảy ra ở ngày thứ 5 sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nếu trong những ngày đầu tiên, trẻ sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt thì cũng phải coi đây là một dấu hiệu có nguy cơ diễn biến nặng.

“Nếu em bé có sốt nhưng sau khi dùng thuốc hạ sốt mà em bé tỉnh táo, ăn chơi bình thường thì không có vấn đề gì đặc biệt. Nếu thấy trẻ có biểu hiện khó thở, hụt hơi khi có hoạt động nào đó gắng sức, mặc dù chỉ là vận động nhẹ nhàng thôi thì đó cũng là dấu hiệu sớm của nguy cơ trở nặng mà cha mẹ cần nhận biết. Hoặc chúng ta dùng thuốc, em bé hạ sốt nhưng vẫn mệt mỏi, không chơi, nằm một chỗ thì đây cũng là một triệu chứng cần thông báo với nhân viên y tế. Chúng ta không nên chỉ phụ thuộc vào các chỉ số bão hòa oxy trên máy đo SpO2. Đừng đợi đến khi nồng độ oxy trong máu giảm xuống thì lúc đó là đã muộn rồi” – bác sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo.

Về việc dùng thuốc điều trị cho trẻ tại nhà, bác sĩ Đỗ Thiện Hải cũng lưu ý các bậc cha mẹ không nên nghe theo lời mách bảo của người không có chuyên môn hoặc các thông tin trên mạng xã hội, mua các loại thuốc kháng virus cho trẻ uống. Bởi trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, chức năng của các cơ quan trong cơ thể trẻ chưa hoàn hiện nên việc tự ý sử dụng thuốc có thể khiến trẻ bị ngộ độc hoặc gây ra các phản ứng nặng.

“Các thuốc có thể điều trị Covid-19 thì Việt Nam chúng ta đã mua và chuẩn bị khá đầy đủ. Khi chúng ta báo với y tế phường thì sẽ được cung cấp thuốc để điều trị. Và các phác đồ sử dụng thuốc cũng đã được các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và điều trị Covid-19 xây dựng kỹ lưỡng, chúng ta nên tin tưởng để có hướng xử trí phù hợp” – BS Đỗ Thiện Hải cho biết.

Tiêm vaccine để tránh nguy cơ trẻ mắc bệnh nặng và các di chứng hậu Covid-19

Mặc dù tỷ lệ trẻ bị diễn tiến nặng do Covid-19 không cao so với người lớn song khi số trẻ nhiễm bệnh tăng lên thì số ca nặng và tử vong cũng sẽ tăng. Không chỉ chịu những ảnh hưởng đến sức khỏe trong thời kỳ bệnh cấp tính, nhiều trẻ còn phải chịu các di chứng hậu Covid-19. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận hơn 10 trẻ mắc di chứng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng, đặc biệt là Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Đa số trẻ bị nhập viện đều chưa được tiêm phòng COVID-19, đáng chú ý có 2 bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu tiên lượng xấu.

Thời gian qua, nước ta đã bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và hiện các em đã được đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, khi chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi, dường như các bậc cha mẹ cũng như dư luận xã hội lại có nhiều băn khoăn, lo ngại hơn, thậm chí có ý kiến cho rằng không nên tiêm cho trẻ ở lứa tuổi này.

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, trước thực trạng số ca mắc Covid-19 ở trẻ đang tăng lên, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là điều cần thiết. Với trẻ em thì chúng ta không thể để các em bé ở nhà mãi được mà phải cho các bé đến trường. Một trong những phương án bảo vệ các bé khỏi mắc bệnh và diễn biến nặng là sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho các bé. Thực tế dịch bệnh hai năm qua cho thấy vaccine có vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm tỉ lệ nhiễm bệnh, giảm số ca mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19.

Trước những băn khoăn, lo ngại của các bậc cha mẹ về việc vaccine phòng Covid-19 còn quá mới, chưa thể biết những ảnh hưởng lâu dài đến thế hệ tương lai ra sao, theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải vaccine tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi đã được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và đã được chứng minh về tính an toàn, hiệu quả. Các tác dụng phụ của vaccine sau khi tiêm cho trẻ trong độ tuổi này cũng tương tự các loại vaccine khác và ở nhóm tuổi lớn hơn. Về những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sinh sản của vaccine phòng Covid-19 đối với trẻ nhỏ (nhất là với các bé gái), hiện tại chưa thể đánh giá vì vaccine mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, với các loại vaccine sử dụng công nghệ tương tự thì chưa thấy có báo cáo nào về ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

“Tôi nghĩ rằng giữa hai lựa chọn: không tiêm vaccine cho em bé thì tỷ lệ trẻ mắc khá cao và hội chứng hậu Covid nặng nề không thể kiểm soát được; còn nếu tiêm mà xảy ra các phản ứng thì đó đều là phản ứng kinh điển của vaccine và chúng ta có thể chủ động kiểm soát được vấn đề an toàn tiêm chủng.” – Bác sĩ Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh, giữa lợi ích và nguy cơ khi tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 -11 tuổi thì lợi ích vẫn lớn hơn. Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về loại vaccine này trên các trang thông tin chính thống, có uy tín để có quyết định đúng đắn nhằm bảo vệ con trẻ trước đại dịch nguy hiểm.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác giám sát, xử lý an toàn tiêm chủng, theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ khi tiêm vaccine phòng Covid-19, điều quan trọng là các bậc cha mẹ hiểu về các phản ứng có thể xảy ra. Sau tiêm, nếu thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở trẻ thì phải liên hệ ngay với nhân viên y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở - những người ở gần nhất và sẽ xử lý đầu tiên các trường hợp phản ứng. Để có thể phát hiện sớm và xử lý tốt những tình huống như vậy, bác sĩ Hải đề nghị nên có chương trình tập huấn rộng rãi cho các bậc cha mẹ và nhân viên y tế trước khi tiến hành tiêm vaccine cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi.