Mắc bệnh dạ dày và đại tràng, thường xuyên bị chứng khó tiêu, sau khi được một người quen chia sẻ kinh nghiệm về chế độ thực dưỡng, chủ yếu là ăn cơm gạo lứt, chị Thanh Nhàn ở quận Cầu Giấy, Hà Nội bắt đầu thực hiện theo. Không mua gạo lứt ở ngoài chợ, chị cầu kỳ đặt ở tận quê gửi ra cho yên tâm. Chị Nhàn cho biết, chị chủ yếu ăn gạo lứt với muối mè và các loại hạt như đậu đỗ, không ăn thịt cá, ăn rau thì chủ yếu xào khô, không cho nước. Thể trạng vốn gầy gò, sau khi ăn gạo lứt, chị Nhàn càng sút cân hơn. Tuy nhiên, chị vẫn áp dụng chế độ ăn thực dưỡng một cách nghiêm ngặt vì tin rằng nó tốt cho sức khỏe.
Đang trong tình trạng thừa cân, sau khi đi kiểm tra sức khỏe thấy các chỉ số như mỡ máu, đường huyết tăng cao, lo ngại mắc tiểu đường, rối loạn lipid máu, nên khi nghe nói ăn gạo lứt tốt hơn gạo trắng, giúp phòng ngừa bệnh tật, chị Thúy Hà ở quận Thanh Xuân không ngần ngại thực hiện ngay. Mặc dù giá gạo lứt cao hơn gạo trắng, việc nấu cơm cũng cầu kỳ hơn, khó ăn hơn so với gạo trắng nhưng chị Thúy Hà vẫn kiên trì thực hiện để giảm cân.
Không riêng chị Thanh Nhàn và chị Thúy Hà, phong trào ăn gạo lứt được rất nhiều người hưởng ứng. Trên mạng xã hội còn có những hội nhóm người ăn gạo lứt với hàng chục nghìn thành viên để chia sẻ với nhau về kinh nghiệm ăn uống, mua bán các sản phẩm chế biến từ gạo lứt. Thậm chí có những bài viết ca ngợi tác dụng thần kỳ của gạo lứt, coi đây như một loại thực phẩm chữa bách bệnh khiến nhiều người nhầm tưởng ai ăn gạo lứt cũng có tác dụng tốt như nhau.
Theo TS-BS Phạm Thị Thúy Hòa – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, gạo lứt là một loại ngũ cốc nguyên hạt nên hàm lượng chất dinh dưỡng và chất xơ nhiều hơn so với gạo trắng. Việc nhiều người có xu hướng từ bỏ gạo trắng để chuyển sang ăn các loại gạo lứt do lo ngại gạo trắng ít vitamin và khoáng chất, ăn nhiều sẽ dẫn béo phì, tiểu đường là quan niệm hoàn toàn không đúng.
“Trong thành phần của gạo trắng và gạo lứt thì đều có thành phần dưỡng chất như nhau, cung cấp năng lượng như nhau. Tuy nhiên, hàm lượng một số vitamin và khoáng chất trong gạo lứt thì thì cao hơn gạo trắng, ví dụ như canxi, kali, vitamin B, các chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Còn trong gạo trắng, các thành phần như chất đạm, chất béo…thì cao hơn so với gạo lứt. Nếu chúng ta “đổ tội” cho gạo trắng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh béo phì, đái tháo đường thì không chính xác mà chúng ta phải nhìn nhận ăn phối hợp như thế nào để vừa khắc phục vừa bổ sung các chất dinh dưỡng thì mới là thông minh. Hơn nữa, nếu chỉ ăn gạo lứt mà không bổ sung các chất dinh dưỡng từ các nhóm thực phẩm khác thì cũng dẫn đến bệnh tật. Nên điều quan trọng là nhìn nhận về vai trò của gạo trắng một cách công minh” – BS Phạm Thị Thúy Hòa nêu quan điểm.
Bên cạnh xu hướng từ bỏ gạo trắng, nhiều người lại coi gạo lứt như một loại siêu thực phẩm, có tác dụng giúp giảm cân, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, giảm mỡ máu, tốt cho bệnh nhân ung thư, đái tháo đường,tim mạch. BS Phạm Thị Thúy Hòa cho rằng, đúng là chế độ ăn gạo lứt đúng là có tác dụng hỗ trợ góp phần hạn chế nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, mỡ máu hoặc góp phần làm chậm sự tiến triển của các bệnh lý mạn tính này song cũng không nên "thần thánh hóa" loại gạo này.
“Gạo lứt giữ nguyên được tất cả các thành phần ban đầu của hạt gạo, trong đó có dầu cám, chất xơ. Trong gạo lứt vừa có chất xơ hòa tan lại vừa có chất xơ không hòa tan và nó giúp cho chỉ số đường huyết của gạo lứt thấp hơn so với gạo trắng. Khi chúng ta ăn gạo lứt, chất xơ này lại khiến cho chúng ta no lâu, không muốn ăn nhiều, do đó giúp đường huyết không bị tăng nhanh. Cũng vì không thể ăn nhiều nên gạo lứt giúp chúng ta giảm cân. Dầu cám gạo trong gạo lứt có tác dụng làm giảm những ảnh hưởng của cholesterol xấu. Đặc biệt, loại ngũ cốc nguyên hạt này cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe. Đấy là một số điểm về tác dụng của gạo lứt trong việc góp phần hỗ trợ ngăn chặn một số bệnh lý mạn tính và đó là điều đáng khuyến khích để đưa vào gạo lứt những bữa ăn nhất định. Tuy nhiên, gạo lứt chỉ có tác dụng hỗ trợ thôi chứ không phải là quyết định” – BS Phạm Thị Thúy Hòa nhấn mạnh.
Cho dù gạo lứt có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, song BS Phạm Thị Thúy Hòa cho biết, trong gạo lứt có hàm lượng chất xơ rất cao, cho nên tiêu hóa rất khó khăn. Trong khi gạo trắng cung cấp nguồn năng lượng dồi dào và dễ tiêu hóa. Hàm lượng chất béo trong gạo lứt cao nhưng độ hấp thu kém do vướng phải chất xơ. Trong khi đó, cơm trắng có thể tạo thành các axit béo giúp tiêu hóa tốt. Gạo trắng còn cung cấp một lượng lớn khoáng chất folate tốt cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, chúng ta chỉ nên xem xét đưa gạo lứt vào một số bữa ăn chứ không nên thay thế hoàn toàn gạo trắng.
Chế độ ăn gạo lứt không nên áp dụng đại trà cho tất cả mọi người nhất là người già, trẻ em, người đang bị ốm hoặc mới ốm dậy, người đang bị suy giảm hệ miễn dịch, người bị bệnh thận.
“Khi ăn gạo lứt phải nhai kỹ, nhai lâu, người già răng đã yếu lại phải nhai gạo lứt thì không ăn được nhiều, do đó lượng ăn vào không đủ cung cấp năng lượng cho cơ thể. Trẻ em cũng không nên cho ăn gạo lứt bởi loại gạo này rất khó tiêu hóa, khiến em bé bị đầy bụng thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho tốc độ phát triển của bé. Với người đang mắc bệnh hoặc hay ốm đau cũng thế, cơ thể cần được cung cấp đủ chất dinh dưỡng để chống lại bệnh tật, nếu ăn gạo lứt cũng khiến bệnh nhân bị đầy bụng, không ăn được các nhóm thực phẩm khác dẫn đến thiếu chất. Gạo lứt có nhiều photpho và kali hơn gạo trắng nên người bị bệnh thận cũng nên hạn chế ăn” – BS Phạm Thị Thúy Hòa đưa ra lời khuyên.
Với những người có thể sử dụng gạo lứt trong bữa ăn hàng ngày, BS Phạm Thị Thúy Hòa lưu ý chỉ nên coi gạo lứt là 1 trong 4 nhóm thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày. Ngoài tinh bột, chúng ta nên ăn đủ các nhóm còn lại gồm: chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất từ các loại thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả...
Khi ăn lứt nên nấu mềm, ăn chậm, nhai kỹ. Không nên ăn gạo lứt muối mè trường kỳ bởi vì sẽ khiến cơ thể bị thiếu các chất dinh dưỡng, gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, làm cho sức đề kháng cơ thể suy yếu. Thậm chí đã có trường hợp phải đi cấp cứu vì rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết tố do áp dụng chế độ ăn gạo lứt muối mè nghiêm ngặt trong thời gian dài.