Mới 6 tuổi, nhưng cháu Huy ở Vĩnh Phúc đã nặng 38kg, vượt so với tiêu chuẩn hơn 10kg. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Nam, ông nội cháu, gia đình chỉ ăn cơm thịt bình thường chứ không hề tẩm bổ gì, thế nhưng cân nặng của cháu vẫn tăng đều đều.
Thấy cháu dễ ăn, lại ăn tốt gia đình ông Nam thấy mừng vì cháu dễ nuôi và như vậy mới khỏe mạnh. Tuy nhiên, sau khi nghe nhiều lời nhận xét về tình trạng thừa cân, béo phì của cháu Huy, ông bà quyết định đưa cháu đi khám dinh dưỡng và kết quả cháu Huy bị thừa cân béo phì độ 2, cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và luyện tập.
Với trường hợp của cháu Huy, bác sỹ yêu cầu giảm khẩu phần ăn của 3 bữa chính và không ăn vặt, tăng thời gian vận động tập thể dục thể thao hàng ngày. Tuy nhiên trước sự háu ăn của con trẻ, việc hạn chế đồ ăn là dường như rất khó thực hiện. Đây cũng là tình cảnh của gia đình chị Nguyễn Hồng Lan ở Gia Lâm, Hà Nội khi thực hiện chế độ hãm ăn cho cậu con trai: “Cháu nó hiện tầm 54kg, cũng không dám cho ăn nhiều đâu mỗi bữa chỉ ăn 1 bát cơm thôi. Nhưng cứ vừa ăn cơm xong là phải rít một hộp sữa. Ngày có khi nó uống 2 lốc sữa, uống sữa thay nước luôn. Chiều đi học về thì kiểu hay đói mà chưa nấu cơm xong thì lại ăn tạm cái bánh….không chịu ăn rau….”
Dù con to béo hơn các bạn cùng trang lứa, thế nhưng với chị Lan con chỉ hơi thừa cân một chút thôi. Sau này lớn, có ý thức về hình thể con sẽ có động lực giảm cân, còn giờ đang tuổi ăn tuổi lớn chị cũng không quá ép buộc con.
Theo TS Phan Bích Nga - Giám đốc trung tâm khám và Tư vấn Dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5-19 tuổi đã tăng gấp đôi (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh con số này có thể lên đến 45-55%.
Đây là vấn đề rất quan ngại, ảnh hưởng tới sự phát triển tầm vóc, sức khỏe khi các em trưởng thành. Bởi có đến 80% trẻ thừa cân béo phì khi lớn lên sẽ trở thành người trưởng thành bị béo phì. Đây là nguyên nhân làm gia tăng những bệnh lý về rối loạn chuyển hoá ở người trẻ.
"Ví dụ: rối loạn đường máu, mỡ máu, những vấn đề về bệnh đái tháo đường đến sớm, các bệnh lý về tim mạch. Một điều về trẻ em cũng rất quan trọng là vấn đề về tâm lý. Trẻ em bị béo phì thường có xu hướng bị khó tiếp cận, khó hoà đồng với bạn bè, hay bị bạn bè trêu trọc nên trẻ có tâm lý ngại, kém tiếp xúc, từ đó sẽ dẫn đến rất nhiều tác hại khác ảnh hưởng tới tâm lý, tới sự phát triển tâm vận động của trẻ." TS Phan Bích Nga phân tích
Nguyên nhân tiềm tàng của bệnh béo phì trẻ em là bố mẹ bận rộn, thức ăn nhanh, đồ uống đóng chai và trẻ ít vận động.... WHO cũng cho rằng sự tiện lợi của những ứng dụng đồ ăn cũng góp phần vào tình trạng thừa cân béo phì ở các thành phố lớn
Theo TS Phan Bích Nga, thủ phạm gây béo phì ở trẻ thường là do ăn nhiều tinh bột và đồ ngọt cũng như tiêu thụ đồ ăn liền.
"Thứ nhất là trẻ ăn quá nhiều tinh bột, trẻ có thể ăn mỗi bữa 2-3 bát cơm, đối với trường hợp trẻ đã bị béo phì thì ăn như vậy là bị thừa tinh bột, khi thừa tinh bột vào cơ thể sẽ biến đổi thành chất béo. Thứ hai là cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt hàng ngày, trẻ em thường rất thích, nhưng đồ ngọt làm tăng thải canxi, gây ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển xương, phát triển chiều cao của trẻ. Nhiều khi chúng ta cũng không để ý đến vấn đề như là nước sốt, trẻ em thường có xu hướng ăn theo kiểu hiện đại, phương Tây, rất thích dùng các loại nước sốt. Các loại nước sốt đều có đường và muối, ăn nhiều những thứ đó rất có hại cho sức khoẻ. Hầu như trẻ em không có vận động và không tiêu hao năng lượng, nhiều khi bằng những lý do nghe rất khách quan như “vì cháu nó bận học”, nhưng dù bận đến đâu cũng vẫn nên sắp xếp cho trẻ có thời gian vận động." - TS Nga cho hay.
Một nguyên nhân quan trọng khác đến từ tâm lý của nhiều phụ huynh là thích trẻ mũm mĩm, với quan niệm trẻ béo mới là khỏe. Quan niệm này thể hiện rõ trong kết quả về tỷ lệ trẻ béo phì đến khám tại Viện Dinh dưỡng trong những năm qua rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1-2%.
TS Phan Bích Nga khuyến cáo, để trẻ có thể phát triển khoẻ mạnh, cân đối, đầu tiên cha mẹ không nên đánh giá trẻ bằng cảm quan. Cha mẹ có thể áp chiều cao cân nặng của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng để đối chiếu xem trẻ có đang phát triển bình thường hay thừa cân để từ đó điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ.
Đối với chế độ ăn, chúng ta phải lưu ý đảm bảo cho trẻ chế độ ăn lành mạnh, đủ chất, không thừa và cũng không được thiếu chất, để trẻ có thể phát triển chiều cao tốt. Nên cho trẻ ăn nhạt, không ăn mặn, hạn chế sử dụng đường, các thực phẩm ngọt. Những trẻ đang có xu hướng tăng cân, tuyệt đối không được ăn quá một bát cơm một bữa. Thứ hai, cho trẻ ăn đầy đủ cả đạm động vật và đạm thực vật, cho trẻ ăn cả những món xào, rán bên cạnh các món hấp, luộc. Cho trẻ ăn nhiều các loại hoa quả ít ngọt.