Mạnh và Hoàng là 2 bé sinh đôi non tháng lúc 27 tuần thai. Chị Nguyễn Thị Trinh – mẹ của Mạnh và Hoàng còn nhớ, mọi thứ như ngừng lại khi chị nhìn thấy cơ thể bé nhỏ của các con chằng chịt ống dẫn, dây điện và máy móc hỗ trợ.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Hương, Phụ trách khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh– nơi Mạnh và Hoàng được chăm sóc và theo dõi, chi phí trung bình cho mỗi trường hợp như thế vào khoảng 150-200 triệu đồng; riêng một lọ thuốc đã mất khoảng 14 triệu đồng, trong thời gian nằm viện điều trị bệnh, mỗi bạn sẽ phải dùng khoảng 3-4 lọ. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế đã gánh cho các gia đình khoản kinh phí này. Chị Nguyễn Thị Trinh thở phào nhẹ nhõm bởi dù trước đó, hai vợ chồng đã có sự chuẩn bị nhưng không thể lường trước được bệnh tình và chi phí điều trị của các con.

Y học hiện đại đã có thể chữa trị nhiều bệnh lý và cứu sống trẻ nhỏ. Nhưng vấn đề là kinh phí điều trị khá lớn so với điều kiện kinh tế của các gia đình. Chính vì vậy, giải pháp duy nhất là tham gia Bảo hiểm Y tế.

Hiện nay ngân sách nhà nước đang cấp tiền đóng thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, do đó các em cũng được hưởng quyền lợi đầy đủ như những đối tượng khác. Đó là được chi trả chi phí khám chữa bệnh, điều trị nội trú, chi phí phục hồi chức năng. Ngoài ra, trẻ dưới 6 tuổi sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường mẫu giáo.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà – Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, trường hợp trẻ bị bệnh nặng, có giấy chuyển từ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu lên tuyến trên sẽ được hưởng quyền lợi trong phạm vi quyền lợi của quỹ BHYT với mức thanh toán 100%. Trong trường hợp cấp cứu, trẻ cũng được hưởng toàn bộ quyền lợi BHYT

Thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi có giá trị sử dụng đến khi trẻ đủ 72 tháng tuổi. Vì vậy, nhiều trẻ sẽ có khoảng cách giữa ngày tháng sinh với ngày vào lớp 1. Ví dụ như trẻ sinh ngày 12/3/2017, thẻ BHYT của trẻ sẽ được tính từ ngày này và theo quy định đến ngày 12/3/2022. Nhưng phải đến tháng 9, khi vào học lớp 1, trẻ mới được mua thẻ BHYT mới. Nhiều cha mẹ băn khoăn từ tháng 3 đến tháng 9, quyền lợi khi trẻ đi khám chữa bệnh có được đảm bảo nữa hay không? Về vấn đề này, theo chị Nguyễn Thị Thanh Hà, tại Nghị định 146, Chính phủ đã quy định, với trường hợp trẻ sinh trước tháng 9 trong cùng năm học đó, trẻ đủ 6 tháng tuổi trước tháng 9 thì thời gian từ ngày trẻ đủ 6 tuổi cho tới tháng 9 cùng năm, trẻ vẫn được hưởng mà không phải đóng BHYT. Đến khi vào học, các con sẽ được tham gia BHYT dành cho học sinh.

Theo khi quy định, khi trẻ vào lớp 1, nhà trường nơi các em học sẽ phụ trách việc mua thẻ BHYT tiếp cho trẻ. Tuy nhiên, hiện nay trẻ không đến trường, BHXH VN đã hướng dẫn UBND các tỉnh phối hợp với các đại lý thu và bưu điện hỗ trợ gia đình có trẻ nhỏ, cùng với nhà trường thống kê danh sách và hướng dẫn nộp BHYT, thông qua ngân hàng, nộp trực tuyến chứ không nhất thiết phải thông qua cơ quan BHXH. “Cha mẹ có thể liên hệ với thầy cô ở trường để được hướng dẫn đăng ký và nộp BHYT. Trong trường hợp chưa được hướng dẫn cụ thể thì có thể liên hệ với đường dây nóng. Hiện nay một số cơ quan BHXH các tỉnh, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh có đường dây nóng riêng của tỉnh hoặc là các địa chỉ liên hệ qua zalo đã có để hướng dẫn người tham gia BHYT” – Chị Nguyễn Thị Thanh Hà hướng dẫn thêm.

Đối với những trường hợp trẻ sửa đổi họ tên, địa chỉ và muốn thay đổi thẻ BHYT cha mẹ chỉ cần cầm giấy khai sinh đến cơ quan BHXH để làm các thủ tục. Trong trường hợp đổi thẻ mà không thay đổi thông tin thì có thể khai trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc cổng thông tin BHXH VN và đề nghị cấp lại thẻ đối với những thẻ mất hoặc rách nát.

Chính sách BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi rất linh hoạt và tạo điều kiện tối đa cho các em. Vì vậy, cha mẹ nên làm BHYT cho trẻ ngay từ khi mới sinh. Chuyện bệnh tật là điều không muốn, song rất có thể xảy ra mà không ai có thể lường trước. Phần gánh nặng chi phí sẽ được bảo hiểm y tế san sẻ, gia đình cũng bình tâm chăm sóc các con.