Ăn dặm nghĩa là cho trẻ bổ sung các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Đây là giai đoạn quan trọng đối với trẻ vì đây là thời kỳ trẻ bắt đầu làm quen với những thực phẩm mới. Cha mẹ nên chuẩn bị kiến thức để lựa chọn những thực phẩm phù hợp với dinh dưỡng của trẻ.

Về thời điểm cho trẻ ăn dặm

Thời điểm tốt nhất cho trẻ ăn dặm là 6 tháng. Ở giai đoạn này, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ đã tăng lên trong khi nguồn sữa mẹ hoặc sữa công thức không thể đáp ứng đủ, hệ tiêu hóa của trẻ phát triển, bắt đầu có thể tiêu hóa được những thực phẩm là tinh bột.

Theo BS Nguyễn Hoài Thu – Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn VIAM Clinic thuộc Viện Y học ứng dụng VN, cha mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm hay quá muộn so với thời điểm 6 tháng đều không tốt.

“Khi cha me cho trẻ ăn dặm quá sớm thì hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển một cách hoàn thiện nhất, trẻ có thể mắc các vấn đề về đường tiêu hóa và không hấp thu được các chất dinh dưỡng. Thứ hai là trẻ sẽ có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm. Ngược lại, nếu trẻ ăn dặm quá muộn, như đến 8 tháng rồi, mẹ mới cho trẻ ăn dặm thì sức khỏe của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bởi sau 6 tháng đầu, dinh dưỡng đến từ sữa mẹ bắt đầu giảm đi, nhu cầu về sắt của trẻ không đáp ứng đủ thì trẻ sẽ thiếu dinh dưỡng, thiếu cân, phát triển không kịp với các bạn. Vì vậy mẹ cần cho trẻ ăn dặm đúng lúc kịp thời để tránh nguy cơ” – BS Nguyễn Hoài Thu nhận định.

Những thực phẩm ưu tiên trong giai đoạn trẻ ăn dặm

6 tháng tuổi, chế độ ăn của trẻ bắt đầu chuyển từ sữa sang ăn dặm nên ưu tiên cho trẻ ăn những món có vị ngọt hơn, bắt đầu kết hợp tinh bột với rau củ, sau đó là nhóm đạm, đến từ thịt lợn, thịt bò, trứng. Đối với trứng, chúng ta cho trẻ ăn lòng đỏ trước đến khoảng 9 tháng hoặc 1 tuổi thì mới cho trẻ ăn cả quả. Tôm, cá, các đồ tanh, cha mẹ có thể cho trẻ ăn bắt đầu từ tháng thứ 7, 8.

Ở giai đoạn này, BS Nguyễn Hoài Thu khuyên cha mẹ nên “tô màu bát bột” cho trẻ nghĩa là bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Lưu ý là thực đơn thay đổi theo độ tuổi của trẻ.

“Màu sắc của bát bột đến từ nhóm rau củ quả. Đây là nhóm mang tới nhiều vitamin chất xơ và khoáng chất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Tùy độ tuổi và giới tính của trẻ thì nhu cầu năng lượng của trẻ sẽ khác nhau nên bữa ăn của trẻ phải đầy đủ các nhóm dinh dưỡng như nhóm tinh bột, đạm đến từ các loại thịt, trứng, cá, rau củ, dầu mỡ. Thời điểm đầu tập ăn dặm có thể cho trẻ ăn vài thìa bột, sau đó tăng lên nửa bát hay một bát. Tiếp theo là độ đặc trong bữa ăn của trẻ, lúc đầu là bột xay sau đó là cháo ninh nhừ rồi cháo vỡ, dần dần là cơm nát, cơm, tùy theo tốc độ phát triển và hệ tiêu hóa của trẻ dần hoàn thiện mà mẹ có thể tập cho trẻ ăn dần dần những thực phẩm này” – BS Nguyễn Hoài Thu cho biết.

BS Nguyễn Hoài Thu cũng khuyến cáo ở mỗi bữa ăn, cha mẹ nên lưu ý quan sát trẻ ăn có phản ứng như thế nào, trẻ thích ăn món này hay không hoặc tiêu hóa của trẻ phản ứng với món ăn như thế nào để có điều chỉnh phù hợp.

Cha mẹ không nên quá áp đặt đối với trẻ

Cha mẹ nên nhớ dù đã bước sang giai đoạn ăn dặm nhưng sữa vẫn là nguồn thực phẩm chính đối với trẻ. Vì thế các mẹ không phải quá tạo áp lực cho trẻ là khi tập ăn dặm phải ăn lượng quá nhiều. Nếu cha mẹ mẹ tạo cho trẻ áp lực quá sẽ khiến cho trẻ sợ ăn dặm, trẻ biếng ăn hơn và việc tập cho trẻ ăn dặm càng trở nên khó khăn hơn.

Ở giai đoạn mới tập cho trẻ ăn dặm, cha mẹ càng cần phải kiên trì nhiều hơn. Với mỗi món mới, cha mẹ nên cho trẻ ăn 3-5 ngày liên tiếp, không nên bỏ ngay khi thấy trẻ không thích hoặc không hợp tác.

Nhiều người lớn nghĩ rằng trẻ nhỏ cho ăn dầu mỡ sẽ béo phì, không tốt đối với sức khỏe nhưng theo BS Nguyễn Hoài Thu, đó là quan niệm sai lầm. Khi nấu xong một bát bột hay cháo, cha mẹ nên cho vào đó một thìa cà phê dầu mỡ loại dành riêng cho trẻ nhỏ. Thực tế, nhu cầu dinh dưỡng từ dầu mỡ của trẻ nhiều hơn cha mẹ tưởng.

“Dầu mỡ có thể tạo ra vị giác kích thích ngon miệng hơn cho trẻ, là một trong những nhóm cung cấp dinh dưỡng và năng lượng đối với trẻ em. Nhu cầu dầu mỡ và lipit của trẻ cao hơn so với người lớn. Đối với trẻ nhỏ, nhu cầu lipit chiếm tới 30%, sau đó là khẩu phần ăn trong ngày. Ngoài ra, dầu mỡ giúp hấp thu và tiêu hóa được các vitamin tan trong dầu như E,A,D, K. Đây là nhóm vitamin quan trọng hỗ trợ tăng cường miễn dịch, phát triển chiều cao cho trẻ. Mẹ sẽ tập cho trẻ ăn dầu mỡ ngay từ đầu những ngày tập ăn dặm”

Việc cho trẻ ăn dầu mỡ không có nghĩa cha mẹ có thể cho gia vị, nước mắm nấu cùng với bột, cháo của trẻ. BS Nguyễn Hoài Thu cho rằng, ở trẻ 6 tháng, vị giác của trẻ mới phát triển và chưa có sự hoàn thiện nên bạn nhỏ chưa phân biệt được vị ngọt, mặn nên việc thêm muối, gia vị vào thời điểm này chưa cần thiết. Mặt khác, ở độ tuổi này, nhu cầu về muối ở trẻ rất thấp, chỉ khoảng 600mg/ngày thôi. Gia vị này sẽ đến từ thực phẩm tự nhiên chứ không cần thêm bất cứ loại gia vị nào. Nếu cha mẹ thêm gia vị thì sẽ khiến cho cơ quan tiêu hóa của trẻ sẽ phải làm việc nhiều hơn để bài tiết lượng muối này ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ lâu dài.

Ngoài ra, nếu trẻ ăn mặn sớm cũng sẽ tạo thành thói quen cho trẻ sau này. Chính vì vậy, thời điểm thích hợp cho trẻ ăn gia vị nước mắm là sau 1 tuổi.