Bệnh nhân mắc lao thường tập trung ở nhóm người nghèo, người sử dụng ma túy vì thế rất nhiều trường hợp gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ điều trị như không có BHYT, không có giấy tờ tùy thân và không có điều kiện kinh tế để duy trì điều trị. Với sự hỗ trợ của mô hình hệ thống cộng đồng chấm dứt bệnh lao do Trung tâm sáng kiến và phát triển cộng đồng (SCDI) triển khai tại 10 tỉnh, thành phố đã có nhiều người được phát hiện mắc lao và được điều trị khỏi, không còn là nguồn lây trong cộng đồng.

Bất ngờ khi được chẩn đoán mắc lao

Tính đến hôm nay, anh Trần Văn Sáng ở xóm Tiền Phong xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã điều trị bệnh lao được hơn 6 tháng. Anh Sáng cho biết, từ trước đến nay trong gia đình không có ai mắc lao nên trước đó khi thấy người mệt, ho nhiều anh không đi khám. Thậm chí khi được mời ra trạm y tế khám sàng lọc anh vẫn nghĩ mình bị mệt do lao động nhiều chứ không nghĩ đến bệnh lao.

“Ra khám bác sĩ nói dương tính với lao, lúc đó ngạc nhiên lắm, nghĩ sao mình mắc bệnh vì nhà không có ai mắc lao cả, nếu không có các cán bộ của chương trình vận động thì cũng không đi khám đâu...” - anh Trần Văn Sáng chia sẻ.

Thời gian đầu uống thuốc, anh Sáng rất mệt, nhiều lúc muốn ngừng điều trị để đi làm trở lại, nhưng được sự tư vấn, hỗ trợ của các thành viên trong hệ thống cộng đồng chấm dứt bệnh lao (gọi tắt là CSET), anh Sáng đã kiên trì điều trị và hiện nay đã âm tính.

Ông Nguyễn Văn Tư ở xóm Xuân Hồng, xã Nam Xuân cũng là trường hợp được phát hiện lao qua sàng lọc tại cộng đồng. Ông Tư cho biết, ông bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã nhiều năm nay, hàng tháng vẫn đi khám để nhận thuốc điều trị bệnh nhưng không phát hiện mắc lao cho đến khi được khám sàng lọc. “Họ gọi thì đi chứ tôi không chủ động đi khám, sàng lọc ra dương tính với lao, sau đó được giới thiệu xuống Bệnh phổi điều trị, lúc đó người mệt lắm, sút cân…”.

Quá trình điều trị bệnh lao của ông Tư cũng vô cùng vất vả vì ông bị phản ứng phụ của thuốc phải về BV Phổi TW điều trị 15 ngày. Các thành viên nhóm CSET đã đến động viên, phát gói hỗ trợ dinh dưỡng bao gồm 01 hộp quà dinh dưỡng và 1.500.000 tiền mặt để ông Tư yên tâm điều trị.

Từ đầu năm 2023 đến nay SCDI phối hợp với Bệnh viện Phổi Nghệ An đã tổ chức 7 cuộc khám sàng lọc tại 19 xã của huyện Nam Đàn với 3.094 người tham gia. Thông qua khám sàng lọc đã phát hiện 44 người có lao hoạt động và 53 người có lao tiềm ẩn.

Chia sẻ với phóng viên VOV2, bác sĩ Hồ Sơn – GĐ TTYT huyện Nam Đàn cho biết “khá bất ngờ vì phát hiện nhiều người mắc lao trong cộng đồng, cứ nghĩ đời sống dân trí giờ cao hơn, hệ thống y tế thuận lợi thì người mắc lao ít đi, nhưng qua sàng lọc thì thấy tỷ lệ mắc rất cao...”.

Sàng lọc, phát hiện chủ động còn nhiều khó khăn

Sàng lọc lao tại cộng đồng là hoạt động do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức triển khai tại 10 tỉnh thành phố. Thông qua các tổ chức dựa vào cộng đồng, thành viên trong mạng lưới chấm dứt bệnh lao (gọi tắt là CSET) sẽ vận động những người đã hoàn thành điều trị lao hoặc bệnh nhân bỏ trị, người tiếp xúc với bệnh nhân lao, người mắc bệnh mạn tính và người sử dụng ma túy... đi khám sàng lọc. Nếu qua sàng lọc phát hiện mắc lao bệnh nhân sẽ được đưa vào chương trình điều trị. Nếu thuộc nhóm lao tiềm ẩn sẽ được theo dõi thường xuyên.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung quản lý chương trình Hỗ trợ mạng lưới cộng đồng - Trung tâm

Chủ động phát hiện các trường hợp mắc lao ở nhóm dân cư dễ bị tổn thương và khó tiếp cận với các dịch vụ điều trị về lao. Xây dựng hệ thống cộng đồng phòng chống lao để phát hiện ca bệnh, hỗ trợ tuân thủ điều trị là các hoạt động được Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) triển khai từ nhiều năm nay. Hiện các hoạt động này đang được triển khai ở 10 tỉnh thành phố. Đã có hơn 66 nghìn người thuộc các nhóm nguy cơ cao được khám sàng lọc, qua đó đã phát hiện hơn 600 trường hợp mắc lao hoạt động và gần 1.200 trường hợp nhiễm lao tiềm ẩn. Thông qua hệ thống cộng đồng chấm dứt bệnh lao (gọi tắt là CSET) 85% bệnh nhân mắc lao được phát hiện qua sàng lọc đã được đưa vào điều trị, góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, từ công tác khám sàng lọc hàng năm cho thấy, số ca phát hiện mắc lao và lao tiểm ẩn được phát hiện thông qua mô hình SCDI đang áp dụng càng ngày càng nhiền hơn.“Điều này cho thấy bệnh nhân lao trong cộng đồng vẫn còn nhiều và công tác phòng chống lao cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa” - bà Nguyễn Thị Kim Dung nói.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồ Sơn GĐ TTYT huyện Nam Đàn, sau Covid-19, hoạt động phòng chống lao gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí bị cắt giảm nên hoạt động truyền thông, giám sát, sàng lọc đều bị hạn chế, chủ yếu chỉ phát hiện người mắc lao khi họ chủ động đến cơ sở y tế khám.

Chia sẻ về những khó khăn của hoạt động phòng chống lao hiện nay, bác sĩ Lương Văn Phùng – PGĐ BV Phổi Nghệ An cũng cho biết, từ khi hoạt động chống lao không còn nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, kinh phí được phân bổ không đảm bảo để triển khai các hoạt động, nguồn nhân lực làm công tác phòng chống lao ở cơ sở thường xuyên thay đổi, điều này tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động.

Thông qua hoạt động khám sàng lọc cho hơn 17 nghìn dân tại 3 huyện ở tỉnh Nghệ An đã phát hiện 129 ca mắc lao và 259 ca lao tiền ẩn. Bác sĩ Lương Văn Phùng lo ngại, nếu không tổ chức khám sàng lọc để chủ động phát hiện và đưa vào điều trị thì số bệnh lao không triệu chứng này sẽ là nguồn lây tiềm ẩn, có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong cộng đồng.