Theo TS-BS Vũ Quốc Đạt - Giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO nhấn mạnh, mọi người dân không thể chủ quan đối với bệnh cúm mùa.
“Chúng ta vừa trải qua đại dịch của Covid- 19 và điều này cho thấy, một bệnh nhiễm trùng hô hấp có tỷ lệ tử vong rất thấp chỉ khoảng 1‰, nhưng khi mà có 1.000 ca mắc, 10.000 ca mắc, thậm chí khi có tới cả triệu ca mắc thì số ca tử vong rất lớn nên gánh nặng bệnh tật do bệnh cúm gây ra nó không chỉ đơn thuần thể hiện được con số vốn là tỷ lệ tử vong do bệnh mà nó còn thể hiện ở con số là tổng số người tử vong do bệnh cúm”.
![Biến chứng nặng khiến bệnh nhân mắc cúm nguy hiểm tính mạng](/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/cum-a.jpg)
Cúm là bệnh nguy hiểm
Cúm gây ra các biến chứng nguy hiểm gây ra tình trạng bệnh nặng hoặc thậm chí tử vong. TS-BS Vũ Quốc Đạt cho biết, nhìn chung các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp nói chung có các biểu hiện lâm sàng tương đối giống nhau như: sốt, hắt hơi, chảy nước mũi, đau mỏi người... Bệnh lý cảm cúm thông thường cũng như bệnh cúm đều có biểu hiện như vậy. Nhưng đối với những trường hợp mà bệnh nhân mắc bệnh cúm thì nguy cơ tiến triển nặng cũng như nguy cơ dẫn tới tử vong thì nó cao hơn nhiều so với các căn nguyên khác.
“Chúng ta biết rằng cúm là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và có tính chất theo mùa. Định kỳ hàng năm chúng ta đều thấy sự xuất hiện của bệnh cúm theo mùa, bệnh lý này lưu hành tại địa phương rất nhiều năm nên nhiều người thường không nghĩ rằng bệnh cúm là bệnh nặng, có nguy cơ tử vong nên khi cộng đồng ghi nhận một trường hợp tử vong do cúm thì đôi khi nó sẽ gây ra sự hoang mang. Chúng ta dường như quên rằng virus cúm là loại virus lưu hành rất là phổ biến- virus cúm mùa đã từng xuất hiện và gây đại dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới” – BS Đạt nói.
Hiện nay một số nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản số cúm mùa đang gia tăng nhanh chóng và Chính phủ nước này đang rất lo lắng về sự quá tải của hệ thống y tế. Ngoài ra, cúm mùa cũng đang là mối lo ngại của người dân nhiều quốc gia. Trong thời gian tới, các chuyên gia truyền nhiễm tỏ ra lo ngại về mức độ nghiêm trọng cũng như độ khó lường của virus cúm.
“Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có một chương trình giám sát cúm để xác định mức độ phân bố cũng như sự xuất hiện của các ca bệnh cúm. Từ đó đưa ra những biện pháp phòng ngừa phù hợp. Từ thực tế Nhật Bản cho thấy, đất nước này có nền y tế rất phát triển cũng như hệ thống y học dự phòng rất tốt. Nhưng một khi đại dịch xảy ra thì hệ thống đó hoàn toàn bị quá tải đối với cả virus cúm cũng như Covid- 19. Đây đều là virus gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp nên chúng ta cũng có thể thấy một viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra, đó là các ca bệnh cúm gia tăng sẽ vượt quá khả năng điều trị của hệ thống y tế và dẫn tới việc là chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trường hợp tử vong hơn”- BS Đạt phân tích.
Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng, virus cúm thì đặc tính tương đối đặc biệt, nếu so sánh với Covid- 19 thì virus cúm có khả năng đột biến cao hơn, dẫn tới những biến thể của virus cúm đa dạng hơn. Điều này khiến cho bệnh cúm phát triển thành dịch trong khoảng thời gian rất ngắn.
Nâng cao cảnh giác ngăn chặn nguy cơ tử vong do cúm
Hằng năm, bệnh cúm thường xuất hiện ở khu vực phía Bắc, đỉnh dịch thường xuất hiện vào 2 giai đoạn đó là mùa xuân tháng 1, tháng 2 và mùa hè tháng 6, tháng 7.
“Tháng 1 và 2, nước ta đón Tết Nguyên đán và trong thời gian này lưu lượng người dân dịch chuyển rất lớn từ nhiều vùng miền khác nhau. Tết mọi người sum họp, đoàn viên và gặp gỡ, giao lưu với nhau rất nhiều và trong những không gian hẹp và kín. Đây chính là một trong những yếu tố thuận lợi phát tán virus cúm từ những người bị mắc bệnh nên hằng năm cứ sau dịp Tết thì chúng ta lại chứng kiến sự gia tăng các ca mắc cúm cũng như tình trạng lây lan. Ngoài ra, vào tháng 6 và tháng 7, người dân thường đưa gia đình đi du lịch khi trẻ nhỏ được nghỉ hè và các điểm du lịch thường đón rất nhiều người đến trong cùng một thời điểm” – BS Đạt nhấn mạnh.
![TS-BS Vũ Quốc Đạt khẳng định, người dân cần nâng cao cảnh giác để phòng bệnh cúm và ngăn chặn nguy cơ tử vong do cúm](/sites/default/files/styles/large/public/2024-07/vt-bs-vu-quoc-dat-56_bien_tap_anh.jpeg)
Người dân Việt Nam vốn không xa lạ với bệnh cúm nhưng vì quá “quen” nên người dân lại không cảnh giác, thậm chí có tâm lý chủ quan, coi thường, đặc biệt là hững người đã từng mắc cúm và khỏi bệnh. TS – BS Vũ Quốc Đạt khuyến cáo, những người mắc cúm có thể khỏi hoàn toàn (từ 60-80%), không để lại gánh nặng bệnh tật và di chứng. Nhưng tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong ở những trường hợp mắc cúm nặng có thể lên tới 30%, thậm chí 50%. Sự thay đổi về văn hóa xã hội, môi trường sống cũng như là bản thân mỗi người dân về khả năng miễn dịch, do đó, chúng ta có nguy cơ bị bệnh nặng hơn.
“Không ít người đã chia sẻ rằng, với họ bệnh cúm là bệnh rất bình thường bởi vì đúng là năm nào chúng ta cũng nghe nói về cúm không phải là 1 năm 2 năm mà chúng ta nghe về cúm gần như cả cuộc đời. Chúng ta quên mất rằng, cơ thể mỗi người đang thay đổi, ngày càng già đi. Chúng ta có thể mắc mới các bệnh lý khác như: tiểu đường, bệnh phổi mãn tính, các bệnh lý ác tính ung thư khác… Và khi cơ thể thay đổi thì mặc dù virus cúm độc lực vẫn như vậy nhưng nó sẽ làm cho chúng ta bị bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn. Khi dân số bước vào giai đoạn già hóa, mắc nhiều hơn các bệnh lý nền thì chúng ta có khả năng sẽ chứng kiến sự gia tăng các ca mắc trong những năm tiếp theo”- BS Vũ Quốc Đạt dự báo.
Tuy là cúm có những yếu tố nguy hiểm như vậy nhưng TS-BS Vũ Quốc Đạt cũng khẳng định, bệnh cúm không thực sự đáng sợ nếu cộng đồng người dân nâng cao cảnh giác cũng như không chủ quan với cúm.
Để phòng bệnh cúm, việc quan trọng nhất là tiêm phòng cúm, việc làm cần phải được thực hiện hằng năm. Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêm phòng vaccine cúm tương đối thấp so với các quốc gia phát triển. Đây là những yếu tố nguy cơ làm cho cúm thường hay bùng phát. Những đối tượng có nguy cơ rất cao mắc cúm nặng và thậm chí là tiến triển thành tử vong như: người già, đặc biệt là những người từ 60 tuổi trở lên, người bị các bệnh lý gan, thận mãn tính, bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân điều trị hóa chất, bệnh nhân lạm dụng corticoid, phụ nữ mang thai... đều cần được tiêm phòng cúm.
Biện pháp phòng bệnh cúm quan trọng khác mà người dân nên thực hiện đó chính là đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tránh tập trung quá đông người trong mùa dịch…
Hiện nay bệnh cúm mùa đang gia tăng ở nhiều quốc gia tại Châu Âu và Châu Á. Tại nước ta, số ca mắc cúm cũng đang có xu hướng gia tăng. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, thời tiết nồm ẩm của mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi để gia tăng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh cúm. Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Cũng trong chiều 5/2, Bệnh viện Nhiệt đới TW thông tin, tại đây đang điều trị cho 8 bệnh nhân nhiễm cúm, trong đó có một số trường hợp phải đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) – Đây đều là những người có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng không tuân thủ điều trị và tái khám theo chỉ định của bác sĩ.