Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội “dân số vàng” thì sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ngay từ khi bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng, Việt Nam đã có nhiều chính sách được ban hành như các chính sách về phát triển nguồn nhân lực và gia tăng đóng góp của lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh. Và, trong 10 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể.
Từ tháng 4 năm 2023, dân số Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu người, điều này cũng đồng nghĩa với việc nước ta được bổ sung một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Nếu biết tận dụng tối đa nguồn lao động này sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong nền kinh tế số.
“Dân số trẻ với nền giáo dục phổ thông được đánh giá tương đối tốt trong khu vực thì việc chúng ta tiếp cận với nền kinh tế số, thương mại điện tử có rất nhiều các star up, công việc mới đã được tiếp cận bởi các bạn trẻ và các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực sáng tạo khoa học công nghệ. Đấy là hướng đi phù hợp để Việt Nam đi tắt đón đầu và nâng cao năng suất lao động trong tương lai” – TS Nguyễn Quốc Việt khẳng định.
Tuy nhiên, thực chất cơ cấu “dân số vàng” ở nước ta mới “vàng” về mặt số lượng và đang là thách thức đối với xã hội. GS.TS Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân), Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em cho rằng: “Vàng này mới vàng ở mặt số lượng chứ chưa nói lên được chất lượng, một người lao động này, hay 2 người lao động này năng suất lao động như thế nào”.
Có thực trạng lực lượng “lao động vàng” luôn luôn đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Thực tế, tình trạng này đã gia tăng sau đại dịch Covid-19 diễn ra ở nước ta khiến cho hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng triệu người đang độ tuổi sung sức để lao động làm ra của cải bị mất việc...
Như trường hợp của anh Lê Quang Cường, một công nhân bị mất việc ở Đông Nai sau khi doanh nghiệp giải thể, anh đã phải loay hoay đi xin việc để nuôi con ăn học, chi trả các loại phí sinh hoạt hằng ngày.
“Con thì học đại học, phòng thì một tháng phải đóng điện nước luôn là 2,5 triệu, còn chi tiêu ăn uống, rồi đám tiệc ở quê. Bình thường đi làm hoài, nhưng giờ mình không có nguồn thu nhập, rồi phải lo tiền cho con cái học hành nên tâm trạng âu lo lắm. Trước mắt phải tìm được việc làm, nhưng chưa tìm được” – Anh Lê Quang Cường chia sẻ.
Đó là chưa kể trình độ chuyên môn của lao động hạn chế đã và đang gây ra những thách thức để tận dụng giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.
“Tỷ lệ lao động có việc làm của VN và có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng rất nhanh, năm 2010 chỉ 14% nhưng đến năm 2020 tức đã đạt 24,5% nhưng rõ ràng vẫn còn thấp so với yêu cầu của hiện đại hóa, công nghiệp hóa bởi vì như vậy có nghĩa là có khoảng 76% lao động có việc làm của nước ta chưa được đào tạo gì cả thì rõ ràng đây là một thách thức rất lớn” - GS.TS Nguyễn Đình Cử phân tích.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... năng suất lao động Việt Nam không những không gia tốc bắt kịp mà đang có sự giãn khoảng cách và tụt, đây là nguy cơ nghiêm trọng.
“Qua các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh,đánh giá về cái năng lực cạnh tranh thì rất nhiều bộ chỉ số trên thế giới so sánh cho thấy, chúng ta đang thuộc nhóm trung bình thấp về chất lượng, đặc biệt là chất lượng giáo dục bậc cao, giáo dục đại học. Sự sẵn sàng của sinh viên sau khi ra trường và kỹ năng nghề của Việt Nam chúng ta vẫn còn ở mức độ khiêm tốn”.
Dường như có “bóng đen” đang phủ lên màu vàng của cơ cấu dân số vàng. Mỗi năm, nước ta bổ sung lực lượng khoảng hơn 1,3 triệu lao động, nếu tăng trưởng kinh tế không đạt được tiềm năng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu thì sẽ có nguy cơ đối mặt với bất ổn môi trường kinh doanh trong nước, tạo áp lực lên công ăn việc làm. TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng: Nếu không tận dụng được cơ hội dân số vàng thì sẽ dẫn đến hiện tượng đến một giai đoạn nhất định, những người lao động sẽ ở độ tuổi suy thoái cả về khả năng lao động lẫn chất lượng lao động.
Theo dự báo, giai đoạn dân số vàng của nước ta sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038 và đây là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam. Chỉ còn 14 năm nữa, vì vậy, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nước ta phải đẩy mạnh các biện pháp để nâng chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động.
“Theo tôi, tận dụng cơ cấu dân số vàng này chúng ta phải nâng cao 3 tỷ lệ: tỷ lệ người trong độ tuổi lao động nhưng có khả năng làm việc. Thứ hai là nâng cao tỷ lệ người có khả năng lao động thì phải có việc làm. Nhưng mà điều quan trọng người có việc làm thì phải làm việc có năng suất cao, thu nhập tốt là yêu cầu cấp bách nhất hiện nay” – GS.TS Nguyễn Đình Cử khẳng định.
Rõ ràng để nắm bắt được cơ hội “dân số vàng” thì còn nhiều việc phải làm, mà trước hết cần có những đột phá quan trọng về phát triển chất lượng nguồn nhân lực để Việt Nam có thể hội nhập với thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão. Nếu không khắc phục được các nhược điểm nêu trên thì nước ta sẽ không tận dụng được cơ hội dân số vàng.