Theo bác sỹ Ngô Hùng Sơn – cán bộ chuyên trách xử lý dịch của Trung tâm y tế Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, hóa chất phun diệt muỗi là loại thuốc đã qua thử nghiệm, đáp ứng đủ các tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế, hỗ trợ diệt muỗi và phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.

Các sản phẩm thuốc phun muỗi hiện nay gồm 3 nhóm:

– Nhóm có gốc clo hữu cơ

– Nhóm có gốc phốt pho hữu cơ

– Nhóm có gốc Pyrethrine

Tuy nhiên, thuốc diệt muỗi nhóm có gốc clo hữu cơ và nhóm có gốc phốt pho hữu cơ đã bị cấm sử dụng do có chất độc hại. Riêng loại thuốc nhóm Pyrethrine đã được nghiên cứu và thử nghiệm cho kết quả an toàn, hiện được Bộ Y tế và toàn Thế giới sử dụng để phòng ngừa dịch sốt xuất huyết ở cộng đồng.

Bác sĩ Ngô Hùng Sơn khuyến cáo, các gia đình không nên tự ý mua thuốc phun muỗi về pha và phun cho nhà mình vì nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình sẽ không diệt được muỗi và dẫn đến nguy cơ muỗi bị nhờn thuốc, kháng thuốc. Đồng thời, các hóa chất không được kiểm soát nguồn gốc, không pha đúng liều lượng có thể gây tình trạng dị ứng, nhiễm độc… ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Khi có nhu cầu phun hóa chất diệt muỗi, người dân nên lựa chọn nhà cung cấp có giấy phép chứng nhận kinh doanh về lĩnh vực phun diệt côn trùng theo quy định.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm và chiều tối. Vì thế, để việc phun thuốc diệt muỗi đạt hiệu quả cao nhất nên phun vào những thời điểm trên với điều kiện thời tiết không mưa, ít gió.

Khi phun hóa chất diệt muỗi tại nhà, cần lựa chọn loại thuốc và các loại bình xịt được Bộ Y tế cấp phép và đăng ký lưu hành. Cùng với đó, để tránh những hóa chất trong bình xịt không ảnh hưởng đến sức khỏe cả gia đình, chúng ta nên sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

“Bạn phải lưu ý một điểm là việc phun thuốc tại nhà chỉ có hiệu quả trong khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, ngoài việc diệt muỗi bằng thuốc, bạn nên tích cực tham gia phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách phát quang bụi rậm, diệt loăng quăng/bọ gậy, đậy kín dụng cụ chứa nước. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tránh muỗi đốt như mặc quần áo dài tay, mắc màn khi đi ngủ và dùng kem xua muỗi.” – BS Ngô Hùng Sơn nói.

Hiện có nhiều loại thuốc xịt muỗi bán trên thị trường, trong đó có chứa các hóa chất có tác dụng diệt muỗi hoặc xua đuổi muỗi như Permethrin, Alpha Cypermethrin, Lambda cyhalothrin. Các hóa chất này cũng giống như với nhiều loại hóa chất khác khi tiếp xúc với bề mặt cơ thể người có thể gây ra các phản ứng dị ứng hoặc kích ứng đối với da (như nổi ban đỏ, mụn nước, ngứa, rát da…) và đối với niêm mạc (như sung nề mắt, môi, ngứa mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt…). Đây là phản ứng thường gặp đối với các sản phẩm xịt muỗi được cấp phép.

Còn với các loại thuốc xịt muỗi giả thì các phản ứng có hại là khó lường. Bởi trong thuốc diệt muỗi giả không chứa hoạt chất Permethrin 50EC - một hóa chất đã được cấp phép để diệt muỗi và xử lý dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam, thì hóa chất trong thuốc giả là một loại cực độc. Hóa chất này cũng diệt được muỗi nhanh, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng khi dùng phải loại hóa chất giả, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, sẽ gặp phải các phản ứng dị ứng có thể rất nghiêm trọng. Ngoài ra, tất cả các hóa chất độc tồn lưu sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến môi trường.

Cũng theo bác sĩ Ngô Hùng Sơn, phun hóa chất diệt muỗi không phải là giải pháp duy nhất phòng chống sốt xuất huyết. Điều quan trọng là người dân cần phải diệt bọ gậy trong nhà, sau khi phun thuốc mà vẫn còn bọ gậy trong lọ hoa, trong các đồ phế thải thì muỗi truyền sốt xuất huyết sẽ lại phát triển và gây bệnh cho người dân.

Mỗi người dân cần phải chú ý dự phòng để trong nhà mình không có muỗi, chủ động thu gom, vứt bỏ dụng cụ phế thải để tránh nước đọng, tránh tạo cơ hội cho bọ gậy phát triển. Khi có biểu hiện sốt cao liên tục trên 2 ngày thì cần khám tại cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc nếu mắc sốt xuất huyết thể nặng.