Đã hơn 4 tháng nghỉ dịch không đến trường, trong đó có 2 tháng chỉ ở trong nhà vì giãn cách xã hội, bé Lâm Anh – 5 tuổi nhà chị Thu Hồng ở huyện Thanh Trì - Hà Nội chỉ biết chơi với bố mẹ, ông bà. Chơi mãi các trò chơi cũng chán, cả nhà quyết định cho bé làm quen với chữ cái và chữ số. Chỉ sau 2 tháng, bé Lâm Anh đã có thể đánh vần và đọc được những từ đơn giản.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chuyện học cũng diễn ra suôn sẻ và hứng thú. Bé Lâm Anh vẫn thích chơi với những con thú bông, những chiếc ô tô và các món đồ chơi thú vị khác hơn là phải ngồi vào bàn đúng giờ quy định để học chữ, học số và làm những bài toán tính cộng. Tuy vậy, theo chị Thu Hồng, việc cho con học vào mỗi buổi sáng là cách để con trai có thể biết thêm một số kiến thức trong thời gian chưa thể quay trở lại trường mầm non.

Theo Thạc sĩ giáo dục Lưu Minh Hường- Trung tâm nghiên cứu phát triển giáo dục sớm, việc cha mẹ khá sốt ruột và muốn dạy chữ cho con trong thời gian này, như tập tô chữ và đánh vần là điều dễ hiểu bởi tâm lý lo lắng khi con mình chưa biết chữ sẽ mất đi sự tự tin khi vào lớp 1 hoặc có rất nhiều lý do khác khiến bố mẹ cho con học sớm. “Cho dù trong chương trình giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã yêu cầu trẻ lứa tuổi này nhận biết đầy đủ bảng chữ cái tiếng Việt nhưng có nhiều cha mẹ vẫn mong con biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1, nên đã dạy các con theo kiểu học sinh tiểu học. Điều này gây ra những ảnh hưởng không tốt cho các bé, bởi nếu chúng ta bắt ép các con ngồi vào bàn, học một cách nhàm chán và buồn tẻ thì sẽ khiến các bé sợ học. Chính vì vậy cần phải biến việc học thành trò chơi vui vẻ để trẻ cảm thấy hứng thú hơn với việc học hành” – chuyên gia Lưu Minh Hường chia sẻ.

Về việc giáo dục sớm cho con, các bậc cha mẹ có 2 luồng quan điểm khác nhau, một bên thì ủng hộ cho con học chữ sớm, một bên muốn cho con chơi hoặc học các kỹ năng khác. Chuyên gia Lưu Minh Hường khẳng định, các quan điểm này không sai do nhu cầu và sự kỳ vọng của mỗi cha mẹ khác nhau.

“Cha mẹ dạy chữ thì mong muốn con có khả năng đón nhận tri thức sớm một cách chủ động, đây là nhu cầu chính đáng và nó cũng mang lại cho bé nhiều thuận lợi. Một luồng quan điểm khác cho rằng việc dạy chữ sớm cho con khá mất thời gian, các bé mầm non nên được chạy nhảy, sáng tạo, tưởng tượng đến những điều thú vị, các bé nên được dạy các kỹ năng để kích thích sự phát triển và hoàn thiện bản thân. Hiện, trên thế giới có rất nhiều phương pháp giáo dục, có phương pháp dạy chữ sớm cho trẻ 5 tuổi, thế nhưng cũng có phương pháp giáo dục đến 7 tuổi trẻ mới vào lớp 1…Tuy nhiên, xét cho cùng, sự kỳ vọng và nhu cầu của các cha mẹ nên dựa vào khả năng thực tế của con trẻ, phù hợp với độ tuổi, tâm lý của con” – Ths Lưu Minh Hường lý giải.

Theo chuyên gia Lưu Minh Hường, việc dạy các kỹ năng cho bé trong giai đoạn mầm non là điều nên làm. Các cha mẹ nên chú trọng rèn cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, gấp quần áo… Nếu bé chuẩn bị vào lớp 1, cha mẹ nên tập cho bé kỹ năng tự kiểm soát đồ dùng cá nhân và đồ dùng học tập. Rồi tiếp theo là kỹ năng xã hội như giao tiếp, lắng nghe, chờ đến lượt khi nói chuyện, chờ tới lượt khi xếp hàng…biết chia sẻ với các bạn khác, kỹ năng làm việc nhóm, rồi kỹ năng đọc viết, kỹ năng quan sát, đặt câu hỏi… Đôi khi trẻ sẽ quan sát ở môi trường xung quanh, quan sát những thứ của tự nhiên, xã hội, tự mình đi tìm câu trả lời… Vì thế, trẻ cần được hướng dẫn kỹ năng để làm các thí nghiệm, kỹ năng vận động cũng cần được phát huy như vận động thô, vận động tinh, rồi kỹ năng về an toàn (an toàn về mặt thân thể và tinh thần, an toàn ở trong nhà, ở ngoài đường và an toàn với người lạ, an toàn để tránh bị xâm hại…)

Chuyên gia Lưu Minh Hường cho rằng, để có thể giúp con tăng cường những kỹ năng này, cha mẹ cần tìm hiểu, học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau như sách báo, các phương tiện truyền thông, các khóa học về kỹ năng làm cha mẹ … Cha mẹ cũng cần chú trọng rèn cho mình tính kiên nhẫn và khả năng kiềm soát cảm xúc của bản thân. Bởi quá trình giáo dục sớm cho trẻ sẽ không thể thành công nếu cha mẹ quát mắng hoặc áp dụng hình thức trừng phạt bằng đòn roi với trẻ.