Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh: lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và tim mạch… Trong 3 nguyên nhân trên, việc thực hành dinh dưỡng thiếu khoa học chính là yếu tố cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trung bình mỗi năm có 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim; gần 165.000 ca mắc ung thư mới … Ngoài ra, bệnh không lây nhiễm còn phải kể đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, các rối loạn tâm thần... Hầu hết người mắc bệnh không lây nhiễm phải điều trị suốt đời. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi lâu dài, các bệnh không lây nhiễm sẽ gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Việt Nam cũng giống như các nước đang phát triển và phát triển trong giai đoạn hiện nay, mô hình bệnh tật và nguy cơ tử vong liên quan nhiều hơn đến thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm hơn là tình trạng suy dinh dưỡng và nhiễm khuẩn. Do điều kiện kinh tế xã hội cải thiện, tình trạng thừa cân, béo phì, các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh và nhiều hơn.

GS-TTND Lê Danh Tuyên- nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chủ tịch Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm ở nước ta lên đến 74% là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý. “Do chế độ ăn thừa năng lượng, thừa chất đạm nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng, hoạt động thể lực giảm vì sử dụng các phương tiện máy móc hiện đại thay thế cho lao động giản đơn. Mặt khác, tuổi thọ tăng, cũng làm tăng nguy cơ bệnh không lây nhiễm và tử vong do bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi”- GS Lê Danh Tuyên lý giải.

Theo kết quả tổng điều tra về dinh dưỡng, tiêu thụ thịt động vật của người Việt Nam đã tăng từ 84 gram/người/ngày lên 136,4 gram/người/ngày, tại khu vực thành thị là 154 gram/người/ngày. Tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em từ 5-19 tuổi tăng 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2022). Tỷ lệ thừa cân béo phì của người trưởng thành gần 20%.

“Chế độ ăn không hợp lý, mất cân bằng giữa Protein, Lipid và Glucid sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường. Nếu chế độ ăn không hợp lý thừa chất đạm và năng lượng, thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu hoạt động thể lực sẽ tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid máu, hội chứng chuyển hóa”.

Một chế độ ăn thiếu hợp lý liên quan mật thiết đến sự gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường. Theo GS Lê Danh Tuyên, dinh dưỡng không hợp lý phải kể đến việc tăng tiêu thụ thực phẩm cung cấp chất đạm, không cân đối giữa chất bột đường, chất đạm và chất béo. “Đặc biệt, sự du nhập của các trào lưu ẩm thực Tây phương; các thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và rối loạn chuyển hóa. Một số trào lưu ăn uống giảm cân không khoa học như Low Carb, Keto… mà thực chất là chế độ giảm tinh bột đến mức tối đa để giảm cân- những chế độ này có thể hỗ trợ giảm cân nhưng lại tăng nguy cơ các bệnh rối loạn chuyển hóa và ảnh hưởng tới chức năng gan, thận nếu sử dụng lâu dài”- GS Tuyên nhấn mạnh.

Để phòng bệnh không lây nhiễm, hạ thấp tỷ lệ tử vong vì các bệnh không lây nhiễm cần có chế độ ăn khoa học, hợp lý. “Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã công bố các tháp dinh dưỡng theo lứa tuổi như Tháp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ từ 3-5 tuổi, cho trẻ từ 6-11 tuổi; tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 12-14 tuổi hay từ 15-19 tuổi; Tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành; Tháp dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, người dân cần tăng cường hoạt động thể lực, duy trì lối sống lành mạnh như hạn chế bia, rượu, thuốc lá… để giúp cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát tốt cân nặng, giảm nguy cơ bệnh không lây nhiễm”- GS Lê Danh Tuyên khuyến cáo.

Đầu năm nay, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc. Từ đó góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam. Và tất nhiên, để giảm gánh nặng bệnh tật, ngoài việc thực hành dinh dưỡng khoa học, người dân cũng cần hướng đến lối sống, sinh hoạt lành mạnh và năng tập thể thao.