Báo cáo thị trường cho thấy mức tiêu thụ đồ uống có đường của nước ta tăng 7 lần trong 15 năm qua và mỗi năm người Việt uống khoảng 50 lít đồ uống có đường.

Ngoài các cổng trường, không khó để bắt gặp từng nhóm học sinh xếp hàng mua nước hoa quả pha chế sẵn. Chưa nói đến chuyện nguồn gốc "nhập nhèm", mất vệ sinh, mà chỉ riêng chuyện uống nước ngọt hằng ngày cũng là một vấn đề đối với tuổi mới lớn.

Minh Thu là học sinh lớp 5 một trường tiểu học tại Hà Nội, nhưng đã nặng 50 kg – tương đương cân nặng của một người trưởng thành. Nghe cô bé kể về thức uống hàng ngày của mình thì dường như không có gì ngoài nước ngọt.

Không chỉ các em nhỏ mà học sinh trung học phổ thông, sinh viên, thanh niên cũng luôn thích thú với các loại đồ uống có đường. Như trà sữa là một ví dụ. Theo khảo sát, có những thời điểm thị trường đồ uống dành cho giới trẻ bùng nổ tới mức cứ 4 ngày lại có một thương hiệu trà sữa xuất hiện và mức độ tăng trưởng là 20% mỗi năm.

Hiện thị trường có hàng nghìn loại đồ uống có đường khác nhau và được chia thành 6 nhóm. Trong đó nước ngọt có ga từ vị trí đầu bảng đã bị “soán ngôi” và thay thế bằng nước uống đóng chai có đường với 242 tỷ lít một năm. Tiếp đến là dòng nước ép trí cây đứng thứ 3, trà pha sẵn đứng thứ 4 và nước uống tăng lực, cà phê lần lượt xếp vị trí thứ 5 và 6.

Ở nước ta, đồ uống có đường không chỉ phong phú về thể loại mà còn được bán với giá rất rẻ. Đáng lo ngại, đồ uống có đường còn gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe của người dùng theo phân tích của PGS.TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

“Theo các nghiên cứu của WHO và rất nhiều những nghiên cứu khoa học có quy mô lớn đã chỉ ra, việc sử dụng với tần suất thường xuyên với một lượng đường vượt quá giới hạn sẽ gây ra nguy hại đối với sức khỏe rất nhanh đó là nguy cơ tăng thừa cân béo phì, thêm nữa là đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa và các bệnh tim mạch, các bệnh về lâu dài ảnh hưởng đến tiết niệu và thận. Cùng với đó là những ảnh hưởng của hệ xương khớp, răng, thần kinh, hệ tiêu hóa, ung thư…”- PGS-TS Trương Tuyết Mai cho biết.

Vậy, uống bao nhiêu sẽ gây ra những ảnh hưởng này? Theo khuyến cáo của WHO, nếu tiêu thụ lượng đường đơn, đường đôi vượt quá 50gr/ngày đối với người trưởng thành, đối với trẻ em cũng vượt quá 25gr/ngày, tần suất sử dụng thường xuyên 3-5 lần/ tuần, thì chỉ sau 18 tháng sẽ có nguy cơ thừa cân béo phì và tăng 26% nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2. Đối với trẻ em nguy cơ mắc bệnh nếu dùng quá mức cho phép còn tăng lên nhanh và nhiều hơn, do vậy, nếu chúng ta không kiểm soát tần suất tiêu thụ mỗi ngày, chắc chắn sẽ rất nguy hại đối với sức khỏe.

“Bên cạnh đó, việc sử dụng các thực phẩm ngọt nhiều tất nhiên cũng gia tăng nhanh chóng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, vì sao người ta lại quan tâm đến đồ uống có đường nhiều hơn là bởi vì, xu hướng sử dụng đồ uống có đường đang gia tăng nhanh chóng so với các đồ ngọt khác. Trà sữa cũng bao gồm trong đó, ví dụ như nước tăng lực, nước ép trái cây rau quả có bổ sung thêm đường. Việc hấp thu đường từ đồ uống có đường sẽ nhanh hơn rất nhiều so với các thực phẩm chứa đường- đây thực sự là mối nguy hại”- PGS Trương Tuyết Mai khẳng định.

Bắt đầu từ năm 2012, các chuyên gia dinh dưỡng đã bày tỏ quan ngại về tác hại của đồ uống có đường. Và cho đến nay tình hình trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều bởi thói tiêu dùng gia tăng, thị trường đồ uống phát triển mạnh và đặc biệt là các biện pháp thay đổi nhận thức, hành vi và cả chính sách vĩ mô nhằm hạn chế tiêu dùng loại đồ uống này được cho là chưa mạnh mẽ. Các kiến nghị về việc áp thuế đối với đồ uống có đường, theo các chuyên gia là có thể góp phần có làm giảm lượng tiêu thụ đường trong cộng đồng.

“Theo báo cáo của WHO tổng hợp dựa trên các chính sách có liên quan để giảm đồ uống có đường cho thấy việc áp thuế, tăng thuế đối với đồ uống có đường là một trong những biện pháp rất tốt. Gần 100 quốc gia trên thế giới đã áp dụng tăng thuế đối với đồ uống có đường. Điều này làm giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường và bản thân các doanh nghiệp cũng giảm lượng đường trong các sản phẩm bằng cách thay thế công nghệ. Chính vì vậy, người dân sẽ được hưởng lợi” – PGS Trương Tuyết Mai cho hay.

Hiện Chính phủ, Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã có những tài liệu hướng dẫn, giáo dục truyền thông cộng đồng, giúp người dân sử dụng hợp lý và kiểm soát lượng đường đưa vào cơ thể.

“Trên trang web của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã có những hướng dẫn giúp người dân tự kiểm soát và hạn chế đồ uống có đường. Đối với người trưởng thành, khi khát có thể dùng nước lọc, nước đun sôi để nguội, các loại trà thảo dược, các loại nước dân gian hay dùng. Đối với trẻ em nên lựa chọn nhóm đồ uống có ít đường, lựa chọn nhóm thực phẩm tự nhiên và không nên cho thêm đường. Hạn chế cho trẻ ăn vặt, nếu có ăn vặt nên chọn các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, sữa không đường. Người nội trợ khi mua đồ nên đọc kỹ nhãn dinh dưỡng đặc biệt là hàm lượng đường trong sản phẩm”- PGS Trương Tuyết Mai tư vấn.