Liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 4, Việt Nam đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các chuyên gia cho rằng mũi thứ 4 này cần ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, người cao tuổi vì đây là nhóm dễ trở nặng, nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19. Những nhóm còn lại đã được bảo vệ ở mũi tiêm thứ 3. Mũi thứ 4 chưa nên tiêm đại trà

Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm liều 4 vắc xin COVID-19 vào ngày 3/1. Nước này ưu tiên tiêm cho người từ 60 tuổi trở lên, nhân viên y tế và những người bị suy giảm hệ miễn dịch, với điều kiện tiêm mũi 3 trước đó ít nhất bốn tháng. Tính tới đầu tháng 1-2022, hơn 254.000 người Israel đã tiêm liều 4.

Giữa tháng 2, Cơ quan Y tế công cộng của Thụy Điển khuyến nghị tiêm vắc xin liều 4 cho người từ 80 tuổi trở lên. Vương quốc Anh cũng sẽ tiêm liều 4 cho người trên 75 tuổi, người trong các viện dưỡng lão và người bị ức chế miễn dịch trên 12 tuổi.

Trong tháng 2, Hàn Quốc đã tiêm liều thứ 4 cho nhóm người có nguy cơ cao. Dự kiến có khoảng 500.000 người trên 18 tuổi sống hoặc làm việc tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi và 1,3 triệu người khác bị suy giảm miễn dịch, theo lời giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun Kyeong.

Hồi năm ngoái, Mỹ vẫn giữ quan điểm là liều vaccine thứ 4 chưa cần thiết nhưng từ tháng 2 năm nay, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bắt đầu xem xét cấp phép việc tiêm mũi thứ 4 vào mùa thu năm nay. Yếu tố để xem xét bao gồm liều thứ 4 có giúp nâng cao khả năng miễn dịch của người được tiêm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nghiêm trọng sau mắc COVID-19 hay không.

Các chuyên gia đánh giá liều thứ 4 có thể là khởi đầu cho việc tiêm vaccine COVID-19 định kỳ hằng năm.