BA.2 đang bùng phát ở Mỹ và Châu Âu
Trong 7 ngày qua, Châu Âu có hơn 5,1 triệu ca mắc Covid-19 mới, phần lớn liên quan đến BA.2. Theo kênh CNBC, ước tính, dòng phụ BA.2 có khả năng lây cao hơn 30% so với Omicron, trở thành biến thể trội ở Đan Mạch, chiếm hơn nửa số ca mắc mới ở Đức, chiếm 82% số ca được giải trình tự gene tại Anh, 48% tại Pháp và 48% tại Ý.
Ông Hans Kluge - Giám đốc WHO khu vực châu Âu cho rằng các nước như Đức, Pháp, Ý, Anh đã dỡ bỏ hạn chế quá nhanh, hiện 18/53 nước châu Âu đang có số ca bệnh tăng. Số ca nhập viện cũng tăng lên tại một số nước châu Âu, song tỉ lệ tử vong vẫn ở mức thấp hơn các đỉnh dịch trước nhờ độ phủ vaccine cao.
"Rõ ràng BA.2 dễ lây hơn BA.1, và khi kết hợp với việc nới lỏng hạn chế phòng dịch và sự suy giảm miễn dịch theo thời gian, nó đang góp phần làm tăng số ca mới hiện nay", ông Lawrence Young - Giáo sư ĐH Warwick (Anh) nhận định.
Vẫn cần ngăn chặn sự lây lan của BA.2
Tiến sĩ Jeremy Luban, nhà virus học tại ĐH Massachusetts (Mỹ) cho rằng dù BA.2 có thể không có tác động nghiêm trọng trong cộng đồng nhưng vẫn cần phải ngăn chặn đà lây lan của nó. "Càng có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, càng làm tăng nguy cơ virus có các đặc tính mới và tạo ra biến thể mới. Chúng ta đã khá may mắn khi chúng không gây bệnh nặng hơn những biến thể trước, song các biến thể tiếp theo có thể không như vậy” - ông Luban giải thích.
Ông Lawrence Young - Giáo sư ĐH Warwick (Anh) nhận định: Nếu virus còn tiếp tục lây lan và nhân rộng, nhất là ở những cộng đồng chưa tiêm chủng hoặc nơi miễn dịch đang giảm, nó sẽ tạo ra các biến thể mới, và những biến thể này vẫn sẽ là mối đe dọa cho những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao.
Vì vậy, ông Hans Kluge - Giám đốc WHO khu vực châu Âu khuyến cáo: Thế giới sẽ phải sống chung với Covid-19 trong một thời gian khá dài nữa, song điều đó không có nghĩa chúng ta không thể thoát khỏi đại dịch. Để làm được điều này, các nước phải bảo vệ những người dễ tổn thương, đảm bảo họ được tiếp cận thuốc kháng virus mới, tăng cường giám sát và giải trình tự gene virus.